Nhọc nhằn ở làng lập nghiệp
Dự án Làng TNLN biên giới A Lưới là một trong 18 làng TNLN dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, khu vực biên giới và các xã đặc biệt khó khăn đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng. Làng TNLN biên giới A Lưới do Trung ương Ðoàn đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng được khởi công vào năm 2009 và đã thu hút được 45 hộ thanh niên đến định cư, sinh sống.
Với sức trẻ, trí tuệ và nghị lực, sẵn sàng thử thách với mọi gian khó, những chàng trai, cô gái của Làng TNLN A Lưới đem nhiệt huyết tuổi trẻ quyết tâm lập làng, lập nghiệp trên vùng đất biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục công trình về giáo dục, văn hóa, giao thông, điện, nước sinh hoạt, đập thủy lợi... trên tổng diện tích đất tự nhiên là 4.260ha, thuộc địa phận ba xã là Hương Phong, Hồng Thượng và Phú Vinh, thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, dù đã triển khai nhiều năm, nhưng đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được đầy đủ các khoản hỗ trợ như phê duyệt ban đầu. Để thực hiện được những mục tiêu này, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế (Chủ đầu tư Dự án) cam kết hỗ trợ mỗi hộ dân 30 triệu đồng tiền làm nhà, 4,8 triệu đồng tiền hỗ trợ chăn nuôi, cấp cho mỗi hộ 2.000m2 đất ở và đất vườn, tối thiểu 2ha đất rừng sản xuất và 14 triệu đồng/ha để khai hoang, mua cây giống. Sau 12 tháng, khi các hộ gia đình ổn định cuộc sống tại Làng TNLN sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo phản ảnh của lãnh đạo xã Hương Phong, hiện cuộc sống của người dân ở Làng TNLN A Lưới còn rất nhiều khó khăn.
Con đường vào Làng dù đã được bê tông hóa nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Cổng chào cao to với dòng chữ “Làng TNLN biên giới A Lưới” lọt thỏm buồn hiu hắt không một bóng người qua lại. Nhiều hộ dân đã bỏ đi không quay lại, một số hộ dân thi thoảng mới trở về nhà để xem lại nhà cửa rồi sau đó tiếp tục đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Các khoản hỗ trợ được nhận không như ban đầu, đặc biệt là thiếu đất canh tác khiến đời sống người dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người đã phải đi làm thêm để cải thiện thu nhập. Thực trạng này khiến một số cặp vợ chồng sau khi chuyển lên làng TNLN sinh sống đã phải bỏ về nơi ở cũ. Hiện tại, làng TNLN A Lưới chỉ còn chưa đầy 28 hộ dân sinh sống.
“Do không làm được sổ đỏ nên muốn thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng, hoặc giải quyết các vấn đề về tín dụng rất khó. Sau gần 6 năm di dời lên Làng, kinh tế của vợ chồng tôi cũng chỉ phụ thuộc vào việc chăn nuôi gia cầm, trồng rau màu nên cuộc sống rất vất vả…”, anh Hồ Văn Lân, một hộ dân ở làng TNLN A Lưới bày tỏ.
Còn anh Nguyễn Sỹ Dức (34 tuổi, nguyên quán xã Hùng Thượng, huyện A Lưới) đến định cư tại Làng TNLN từ cuối 2011 cho biết: Dù các hộ gia đình đều cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế nhưng không đủ sống, hiện tại phần lớn lao động trong làng đều đi làm thuê. Vì vậy đời sống hiện tại của anh em trong làng hết sức khó khăn. Mong lãnh đạo các cấp tạo công ăn việc làm cho anh em ổn định cuộc sống!”, anh Dức chia sẻ.
Giải pháp nào cho tương lai ?
Đi chẳng được, ở chẳng xong là tình cảnh mà hàng chục hộ dân ở làng TNLN huyện A Lưới đang phải đối mặt. Trái với mục tiêu ban đầu của Dự án là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn thì người dân ở đây lại rơi vào cảnh thiếu việc làm, nguy cơ đói kém bởi không được cấp đủ đất sản xuất, không đủ vốn làm ăn, không thể vay vốn khi nhiều năm sống trên đất không có sổ đỏ.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Dự án Làng TNLN đã được Tỉnh đoàn chuyển về địa phương quản lý từ năm 2016, hiện tại ở đây đang gặp hai vấn đề lớn, đó là chưa cấp đủ đất canh tác tối thiểu 2ha/1 hộ theo dự kiến ban đầu và nhiều hộ dân chưa được cấp sổ đỏ. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến những vướng mắc tại Dự án, cùng với đó, UBND huyện và UBND xã cũng đang rốt ráo tìm cách giải quyết khó khăn cho các hộ dân nơi đây”.
Với nhiều lý do, nên quá trình thực hiện triển khai Dự án Làng TNLN đã tồn tại những khó khăn chưa được giải quyết. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần yêu cầu UBND huyện A Lưới khẩn trương kiểm tra, rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, chính sách an sinh, thu nhập của người dân… tìm ra giải pháp để 28 hộ dân còn bám trụ ở Làng TNLN được cấp đủ đất sản xuất. Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan giảm hạn mức đất ở để tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu huyện A Lưới lập đề án phát triển các mô hình sản xuất kinh tế phù hợp với người dân Làng TNLN và tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để các mô hình này phát huy hiệu quả. Một mặt, cần quan tâm đảm bảo việc học hành cho con em ở làng TNLN, mặt khác, thực hiện tốt các giải pháp để các hộ dân sớm vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định hơn...
Thất nghiệp, khó khăn bủa vây đời sống với các hộ gia đình tại Làng TNLN A Lưới là thực trạng đáng buồn. Hàng chục tỷ đồng đã được đầu tư trở nên lãng phí khi không mang lại sự đổi thay cho các gia đình đi xây dựng tương lai trên vùng đất mới. Thực trạng trên cần được chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới để đưa các Làng TNLN trở về đúng với mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của nó.