Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ bị bệnh tay chân miệng
Trong quá trình chăm sóc trẻ bố mẹ cần nắm các nguyên tắc khi xây dựng chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao hệ miễn dịch của trẻ bao gồm:
Cho trẻ ăn đủ chất, đa dạng nhóm thực phẩm bao gồm: Chất đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Không quá kiêng khem để có thể bù lại nguồn năng lượng và các chất dinh dưỡng bị mất.
Cho bé ăn đủ đạm, cân nhắc bổ sung thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao từ thịt, cá như cá chép, cá quả, cá trích… trứng, sữa và hải sản cũng giúp cung cấp nguồn kẽm và sắt cho trẻ.
Bổ sung củ quả có màu vàng, đỏ như đu đủ, dưa hấu, cà rốt, cà chua… và các loại rau xanh sẫm như rau ngót, cải bó xôi, súp lơ… những thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho trẻ đặc biệt bổ sung vitamin A, C… Các Vitamin này giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp các sang thương trên da nhanh lành.
Bố mẹ cũng cần lưu ý tuy Vitamin C có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, chống dị ứng nhưng bố mẹ không nên cho trẻ ăn các loại trái cây có vị chua như chanh, cam… vì có thể làm trẻ có cảm giác bị xót miệng khi ăn, thay vào đó bố mẹ có thể bổ sung các loại trái cây có vị ngọt sẽ kích thích ăn uống cho trẻ.
Bé cần uống đủ nước, nhất là giai đoạn bé bị sốt hoặc nôn, bố mẹ có thể bổ sung thêm nước quả và sinh tố cho bé. Khi bé có triệu chứng sốt cao, tiêu chảy nên cho trẻ uống oresol để bù nước và điện giải.
Ngoài ra một số thực phẩm lạnh như kem, sinh tố và kem que cũng giúp làm giảm khó chịu. Lưu ý, tránh đồ uống nóng, sô-đa và thức ăn có tính axit tự nhiên vì chúng có thể làm cơn đau khó chịu hơn.
Thực đơn dành cho trẻ bị bệnh tay chân miệng
Về chế biến thức ăn cũng cần được chú ý, khi làm đồ ăn cho trẻ, bố mẹ nên cắt thái hoặc xay nhỏ cho trẻ dễ ăn, đặc biệt đồ ăn nên ở dưới dạng lỏng mềm để trẻ dễ nuốt. Món ăn cần được thay đổi và chia làm nhiều bữa nhỏ giúp bé ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn. Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh khi làm thức ăn cho trẻ và khi cho trẻ ăn.
Cháo là một trong những món ăn được nhiều mẹ lựa chọn khi bé bị tay chân miệng, vì nó vừa cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng vừa giúp bé ăn ngon miệng hơn. Sau đây là một số món cháo bổ dưỡng cho các bố mẹ tham khảo.
Cháo khoai tây thịt bò: Nguyên liệu gồm có khoai tây, cà rốt, thịt bò. Bố mẹ hãy gọt vỏ khoai tây và cà rốt, cắt miếng nhỏ và cho vào máy xay nhuyễn. Đem thịt bò xay nhuyễn và đánh đều với 30ml nước. Khi nồi thịt bò đã sôi, cho khoai tây, cà rốt và gạo vào nồi đun chín rồi cho rau mùi và nêm nếm gia vị vừa ăn.
Cháo sườn bí đỏ: Nguyên liệu gồm có bí đỏ, sườn heo, hành tím. Đem gạo rửa sạch, nấu thành cháo trắng chín nhừ; Bỏ bí đỏ luộc/hấp cho chín nhừ rồi nghiền nhuyễn bằng nĩa cho lên đảo đều, nem nếm gia vị rồi cho lẫn vào cháo; Dùng sườn rửa sạch, luộc chín. Sau đó gỡ thịt ra xay nhỏ; phi thơm hành, đảo thịt đều tay, cho thêm ít nước mắm rồi cho vào cháo là đã được một bát cháo thơm ngon bổ dưỡng.
Cháo cá hồi bí đỏ: Nguyên liệu gồm có cá hồi, bí đỏ, gừng. Đem rửa sạch phần đầu hoặc xương cá hồi bằng giấm, đem chần nước sôi với vài lát gừng; lóc phần thịt cá hồi để riêng, phần xương đem ninh nhừ và lọc lấy nước; Cho gạo vào nồi nước cá hồi đã lọc nấu thành cháo chín nhừ; Phần thịt cá hồi thái nhỏ hoặc đánh tơi, rồi phi thơm với hành và nêm nếm; Bí đỏ cắt miếng nhỏ, hầm nhừ với cháo. Múc cháo ra chén và cho cá hồi cùng hành hoa vào ăn cùng.
Lưu ý
Không cho trẻ ăn các thức ăn cứng và cay nóng. Khi bệnh bước vào giai đoạn nặng, các mụn nước sẽ xuất hiện ở bên trong má, nướu. Nếu bạn cho trẻ ăn thức ăn cứng hay cay nóng sẽ khiến trẻ bị đau, khó nuốt thức ăn, từ đó khiến trẻ sợ ăn và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn mặn hoặc các loại trái cây có vị chua như cam, quýt. Nếu trẻ không muốn ăn thì bạn cũng không nên ép sẽ khiến trẻ quấy khóc nhiều hơn.
Chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa trong ngày. Mỗi bữa cho trẻ ăn vừa đủ, không nên ép trẻ ăn quá nhiều sẽ dẫn đến việc trẻ quấy khóc, sợ ăn.
Nên chọn loại thìa không có cạnh sắc để dễ đút và không đụng đến các vết loét trong miệng trẻ. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối sạch sau khi ăn.
Sau 4 - 5 ngày khi trẻ đã giảm bệnh chân tay miệng và khỏi các triệu chứng ban đầu (nôn, sốt, đau họng…), có thể cho trẻ ăn theo chế độ dinh dưỡng bình thường, không kiêng khem.
Do bệnh tay chân miệng ở trẻ không có thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy cách tốt nhất để phòng ngừa bé bị tay chân miệng là chăm sóc sức khỏe của trẻ thật tốt. Cha mẹ cần bổ sung cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, tăng khả năng phòng bệnh chân tay miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.