Xã miền núi Phúc Thành là một trong 2 đơn vị về đích xây dựng NTM đầu tiên của huyện Yên Thành (năm 2015), Thế nhưng hiện nay, đã có nhiều tiêu chí rớt chuẩn. Đơn cử như giao thông, môi trường, sau thời gian xây dựng đến nay hệ thống đường bê tông của các xóm đã xuống cấp và hư hỏng, bãi chứa xử lý rác vẫn chưa hoàn thiện..
Ông Nguyễn Văn Lưu ở xóm 10 cho biết: Để có đường bê tông đạt chuẩn, nhiều hộ dân đã hiến hàng ngàn m2 đất cho chính quyền, đóng góp sức người và sức của để xã đạt chuẩn xây dựng NTM năm 2015. Tuy nhiên đến nay, chắc phải xây dựng lại một lần nữa bởi đường sá đã hỏng hết rồi.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thành cho biết: Thực tế phong trào xây dựng NTM ở địa phương có sức lan tỏa mạnh mẽ, diện mạo làng xóm có nhiều thay đổi. Thế nhưng, các tiêu chí chưa thực sự bền vững bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do sức ép từ trên xuống buộc xã phải về đích NTM nên một số tiêu chí thực sự chưa hoàn thiện vẫn còn nợ chuẩn như, tiêu chí môi trường hay giảm nghèo... Hiện nay xã đang cố để giữ vững các tiêu chí đã đạt còn tiêu chí nào chưa đạt sẽ tiếp tục xây dựng.
Không chỉ ở xã Phúc Thành mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng chung thực trạng về đích xây dựng NTM nhưng vẫn nợ chuẩn hoặc thiếu bền vững.
Chị Vi Thị Lan, ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương cho biết: Người dân luôn ủng hộ phong trào xây dựng NTM mà Nhà nước đã phát động. Tuy nhiên tôi thấy nhiều tiêu chí vẫn chưa đạt, nhất là tiêu chí thu nhập và giao thông. Bản thân đồng bào các dân tộc ở đây còn nhiều hộ khó khăn lắm, đường giao thông bê tông ở các bản thì nhiều nơi còn dở dang xây dựng chưa xong. Cũng theo chị Lan sau khi đạt chuẩn xây dựng NTM, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ cây, con giống… người dân không được thụ hưởng nữa, gây khó khăn cho địa phương và người dân trong công tác giảm nghèo.
Ông Vang Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho biết: Để thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã đã huy động mọi nguồn lực, các hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện. Tuy nhiên, do điều kiện xuất phát điểm hạn chế của xã miền núi nên dù đã đạt chuẩn, nhưng vẫn còn một số tiêu chí phải nợ để phấn đấu dần.
Đối với tiêu chí nào có nguy cơ rớt chuẩn, xã sẽ tập trung để củng cố giữ vững. Tuy nhiên, theo ông Chuyên nguyên nhân rớt chuẩn ngoài yếu tố chủ quan, cũng phải kể đến nguyên nhân khách quan ảnh hưởng do địa hình, khí hậu. Gặp mùa mưa lũ nhiều, đường sá bị hư hỏng…
Trao đổi về thực tế này với ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Nghệ An, ông Hiếu cho hay, hiện nay nhiều địa phương đang nợ hoặc bị rớt chuẩn tiêu chí về môi trường; nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí. Để xây dựng được bãi rác tập trung, ngoài khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm, thì phải mất hàng tỷ đồng mới xây dựng được bãi rác tập trung trong khi đó nguồn ngân sách của các địa phương có hạn.
“Thời gian qua, tỉnh cũng chỉ hỗ trợ một phần còn chủ yếu là dựa vào nội lực của người dân. Giải pháp hiện nay là phải giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn, đối với các tiêu chí đang xây dựng phải làm từng bước thật chắc và bền vững…”, ông Hiếu cho biết.
MINH THỨ