Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Châu Âu trong nỗi lo thiếu khí đốt

PV - 10:01, 02/03/2022

Căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine đang đặt ra mối lo ngày càng lớn về nguy cơ thiếu khí đốt cho châu Âu.

Châu Âu trong nỗi lo thiếu khí đốt

Châu Âu đang rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do dự trữ khí đốt dần cạn kiệt sau mùa đông giá lạnh năm 2021 và nhu cầu nhiên liệu gia tăng trong nỗ lực phục hồi kinh tế. Giá năng lượng tại châu Âu cao ngất đang gây sức ép lên các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực này.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu năng lượng (61%). Là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, Nga hiện cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho khu vực này.

Trong những tháng qua, Nga đã bị cáo buộc thao túng dòng khí đốt để đẩy giá năng lượng lên cao, cố tình giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu để thúc đẩy việc phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) cũng như sử dụng khí đốt làm “đòn bẩy” trong cuộc đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời nhấn mạnh không sử dụng khí đốt như một vũ khí chính trị. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cũng tuyên bố vẫn thực thi đầy đủ các nghĩa vụ trên hợp đồng với khách hàng châu Âu.

Nhận định về cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, mới đây, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết, giá nhiên liệu tăng cao tại thị trường châu Âu là do các quốc gia ở khu vực này đã bỏ qua việc ký các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn.

“Về hợp tác năng lượng, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng tất cả các tương tác trong lĩnh vực cung cấp năng lượng phải minh bạch nhất có thể, mang tính thị trường và dựa trên các hợp đồng dài hạn. Đây là điều mà người châu Âu đã bỏ qua, và bây giờ họ mua khí đốt không phải ở mức 300USD, mà là 1.300USD/1.000m3. Trên thực tế còn hơn thế nữa”, ông Peskov nhấn mạnh, theo Izvestia.

Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng giá nhiên liệu ở châu Âu, cụ thể là thời tiết không thuận lợi, các công ty dầu khí của châu Âu không chú trọng đầu tư mở rộng khai thác, cũng như chính sách nóng vội chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Dù châu Âu đang đầu tư mạnh tay cho các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, các nước ở khu vực này vẫn cần nguồn năng lượng truyền thống phục vụ sản xuất và dân sinh. Do đó, căng thẳng gia tăng giữa Nga với phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine thời gian gần đây đã “phủ bóng đen” lên thị trường năng lượng ở châu Âu.

Đã có những câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra với nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt. Trong trường hợp này, châu Âu có thể hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng về y tế và kinh tế, nhất là khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.

Giới chức EU hiện đang ráo riết tìm kiếm các giải pháp thay thế, đặc biệt là tìm kiếm bảo đảm nguồn cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nước xuất khẩu lớn. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, EU đang xem xét tất cả các lựa chọn và kịch bản, bao gồm việc hợp tác với các đối tác trong trường hợp Nga giảm hoặc tạm dừng cung cấp khí đốt.

EU và Mỹ cũng đang phối hợp nhằm bảo đảm cung cấp khí đốt tự nhiên một cách liên tục, đầy đủ và kịp thời cho EU từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu, nhằm tránh cú sốc về nguồn cung xảy ra, trong đó có tác động từ tình hình Nga-Ukraine.

Để bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu khí đốt tại các nước đồng minh châu Âu, Mỹ đang nỗ lực tiếp xúc với các nước nhập khẩu khí thiên nhiên châu Á. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiếp xúc với các nước sản xuất khí đốt như Qatar, Nigeria, Ai Cập, Libya để thảo luận về việc tăng sản lượng khi xảy ra tình huống nguy cấp.

Hãng tin RT của Nga nhận định, kịch bản Moscow cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu rất khó xảy ra, trừ khi các lệnh trừng phạt mới nhắm vào khả năng thanh toán hàng hóa xuất khẩu của Moscow. Châu Âu vẫn là thị trường tiềm năng nhất đối với khí đốt của Nga.

Vào năm 2020, Nga đã cung cấp 175 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu, nhiều hơn so với thị trường lớn thứ hai của Moscow là châu Á-Thái Bình Dương. Vậy nên Nga sẽ không mạo hiểm đặt nguồn thu chính của mình đứng trước rủi ro.

Các dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu không hề bị gián đoạn ngay cả ở thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh. Các chuyên gia tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group của Mỹ cũng cho rằng kịch bản Nga đột ngột cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu là khả năng khó xảy ra nhất. Một động thái như vậy sẽ dẫn tới tổn thất tài chính lớn cho Moscow, đồng thời sẽ dẫn tới nỗ lực phối hợp giữa các nước thành viên EU để vĩnh viễn cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.