Sớm ổn định di cư tự phát
Đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Còn đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề di cư tự phát và những giải pháp của Chính phủ để giải quyết tình trạng này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả khá tốt; hằng năm tỷ lệ giảm nghèo đạt 4-5%/năm, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vùng đồng bào DTTS chưa vững chắc. Dân số là đồng bào DTTS chỉ chiếm 14,6% nhưng hộ nghèo hiện nay lại chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Đặc biệt, có 9 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trên 90%; có 11 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trên 60%.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do thiếu tư liệu sản xuất, thiếu sinh kế để đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, dù có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ nhưng chính sách lại phân tán, nhiều đầu mối quản lý và chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách.
Đối với vấn đề di cư tự phát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, cả nước hiện vẫn còn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát, chưa được sắp xếp ổn định. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành 2.500 tỷ đồng và đưa ra các giải pháp cụ thể: giải quyết hộ khẩu, sắp xếp ổn định dân cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS di cư tự phát.
Liên quan đến tình hình di cư tự phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, Thủ tướng đã giao 8 bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ liên quan phải giải quyết; trong đó Bộ Công an sớm rà soát, ổn định hộ tịch, hộ khẩu; Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổng rà soát đất nông-lâm trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các địa phương triển khai 24 dự án ổn định dân di cư tự phát,…
Cân đối vốn thực hiện chính sách
Vấn đề cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc (CSDT) đang còn hiệu lực được các ĐBQH đặc biệt quan tâm. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng, thiếu vốn, vốn bố trí không kịp thời làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các CSDT, nhất là Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện Thông báo số 2198/TB-TTKQH, ngày 31/8/2018 thông báo kết luận của UBTVQH trong đó có nội dung ưu tiên nguồn lực thực hiện CSDT, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có UBDT rà soát và có nhiều cố gắng trong bố trí vốn thực hiện CSDT.
Riêng đối với các chính sách do UBDT quản lý, năm 2019 đã được bố trí 5.508,554 tỷ đồng để thực hiện. Vốn thực hiện CSDT do UBDT quản lý trong năm 2019 đã được bố trí tăng hơn so với những năm trước.
Đối với Quyết định 2086/QĐ-TTg tập trung hỗ trợ cho 194 thôn, 97 xã, 37 huyện, 12 tỉnh có 16 DTTS có dân số dưới 10.000 người, có đời sống còn rất nhiều khó khăn. Tổng vốn để thực hiện là 1.861 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp là 426 tỷ đồng. Hiện nay Chính phủ đã bố trí đủ vốn sự nghiệp để triển khai chính sách này.
Còn vốn đầu tư của Quyết định 2086/QĐ-TTg cũng như Quyết định 2085/QĐ-TTg, do hai chính sách này được ban hành sau khi Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa cân đối được. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương bố trí 1.000 tỷ đồng để thực hiện hai chính sách này từ năm 2019-2020.
Trả lời thêm về cân đối vốn thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Chính phủ đang dự kiến sử dụng phần vượt thu của năm 2018 để bố trí 1.000 tỷ đồng thực hiện ngay các chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg. Số vốn thực hiện các chính sách còn thiếu sẽ từng bước được bố trí đầy đủ trong giai đoạn tiếp theo.
Liên quan đến bố trí vốn thực hiện CSDT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong việc giải quyết phương hướng dự phòng sắp tới, Chính phủ phải ưu tiên xem xét giải quyết nguồn lực thực hiện CSDT. Trước mắt, Chính phủ sớm cân đối, bố trí 1.000 tỷ đồng để thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg; khó khăn, vướng mắc báo cáo UBTVQH xem xét, giải quyết.
Đề nghị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba
Để tạo đột phá trong phát triển vùng DTTS và miền núi, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đặt câu hỏi về tiến độ tích hợp các CSDT thành Đề án tổng thể. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, thực hiện Nghị quyết 74/2018/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã giao UBDT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBDT đã hoàn thành xây dựng dự thảo và đã tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến của 43 tỉnh vùng DTTS và miền núi và 26 bộ ngành, địa phương.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2019, Chính phủ đã thông qua Đề án và đề xuất Quốc hội xây dựng thành một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, tiến hành thực hiện từ năm 2021. Chính phủ đã giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo cùng các hồ sơ kèm theo và thừa ủy quyền để ký, trình UBTVQH và Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2019. Kỳ vọng trong kỳ họp tới UBTVQH và Quốc hội sẽ thông qua Đề án và quyết định thành Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Khi Chương trình được quyết định kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản những khó khăn, tồn tại, hạn chế hiện nay trong thực hiện CSDT; vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có cơ hội phát triển mới”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết.
Đánh giá thêm về Đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ kỳ vọng trong kỳ họp tới, UBTVQH và Quốc hội sẽ thông qua và đồng ý cho triển khai Đề án thành một Chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba, cùng với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba này sẽ tích hợp 118 CSDT hiện hành để tập trung nguồn lực phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
SỸ HÀO