Kể về lần đầu bén duyên với tre, anh Chẩu Thanh Phương thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nhớ lại: “Có lần khách đến chơi, quên mang theo bình đựng nước, tôi liền làm cho khách một bình đựng nước bằng tre. Thấy bình đựng nước đẹp, lạ, vị khách xin giữ lại để phục vụ cho các chuyến đi tiếp theo, về sau còn gọi điện nhờ tôi làm thêm vài cái nữa để làm quà tặng bạn. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp mới với các đồ dùng thông thường bằng tre, hướng đến sử dụng vật liệu tự nhiên và bảo vệ môi trường”.
Lên được ý tưởng nhưng chưa có kinh nghiệm, anh Phương đi khắp nơi tìm hiểu, học hỏi ở các làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm tương tự. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh trình bày ý tưởng với bạn bè để cùng nhau khởi nghiệp. Khi bắt đầu làm, nhóm chỉ vẻn vẹn có 4 thành viên.
Khi các sản phẩm như ly, cốc, chén, bát, thìa, bàn, ghế và các vật dụng quen thuộc khác của anh đã đáp ứng cơ bản về chất lượng và mẫu mã, anh tự mình mang sản phẩm đi quảng bá khắp các tỉnh, chủ yếu tại Thủ đô Hà Nội. Mỗi cửa hàng anh đến, anh đều để lại 1-2 sản phẩm để chào hàng, bên cạnh đó anh còn kết hợp, đưa sản phẩm của mình đến các Homestay trên địa bàn, kết hợp quảng bá trên các trang mạng xã hội. Từng bước, anh Chẩu Thanh Phương đã xây dựng nên thương hiệu tre Thượng Hà.
Bắt đầu xây dựng được thương hiệu, đầu năm 2018 anh mạnh dạn thành lập HTX, lấy tên An Nhiên Phát (An lành-Tự nhiên-Phát triển). Tưởng như thành công đã ở trước mắt, nhưng liên tiếp khó khăn ập đến. Thiếu vốn, cách thức tổ chức sản xuất chưa có quy trình, thiếu cả về nguồn nhân lực, các vấn đề về nguyên liệu, mà trong đó khó khăn nhất là làm sao để sản phẩm không bị nứt, vỡ.
Qua tìm hiểu anh được biết rất nhiều cách để xử lý, trong đó cách dễ nhất là sử dụng hóa chất. Nhưng với anh Phương, đây là việc làm trái với lương tâm và đi ngược lại với tôn chỉ hoạt động của HTX.
“Xử lý bằng hóa chất không khó, tìm mua hóa chất rất nhiều chỗ bán. Cái khó là lương tâm mình không cho phép. Bởi đã làm những sản phẩm để bảo vệ môi trường thì dù có phải giải thể HTX tôi cũng nhất quyết không dùng hóa chất”, Anh Phương chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề đang gặp phải, anh Phương đã nhập máy cacbon hóa, hấp tre giúp giảm bớt lượng đường trong tre, thành công trong giảm tỷ lệ nứt, vỡ lên đến 70%. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, hiện tại đều đặn mỗi tháng HTX đã sản xuất trên 10.000 sản phẩm các loại, làm ra đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy, doanh thu lên đến hơn 40 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho 16 lao động địa phương, hầu hết là những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, anh cũng xây dựng và kết nối với 12 đại lý phân phối, giới thiệu sản phẩm tại cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, trong đó tập trung 6 điểm ở Hà Nội.
Trong thời gian tới, anh phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất, tập trung đào tạo nguồn lao động, tiếp tục học tập, tìm kiếm, nghiên cứu những công nghệ mới, áp dụng vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh mong muốn phát triển thành một làng nghề, có uy tín, thương hiệu tầm cỡ gắn với bảo vệ môi trường, với một mục đích “gìn giữ bản sắc dân tộc, ai cũng có công ăn, việc làm…”.
Sản phẩm, thương hiệu “tre Thượng Hà” được đề cử vào “20 sản phẩm chất lượng tốt vì quyền lợi người tiêu dùng” và “20 Thương hiệu nổi tiếng năm 2019”. Hoạt động của HTX An Nhiên Phát được các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương rất quan tâm và ghi nhận. HTX An Nhiên Phát được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương.
NGHĨA HIỆP