Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Thúy Hồng - 16:51, 19/09/2024

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.

Nhiều trụ sở đơn vị dôi dư sau sáp nhập bị bỏ hoang
Nhiều trụ sở đơn vị dôi dư sau sáp nhập bị bỏ hoang

Còn 6.900 tài sản công dôi dư cần phải sắp xếp

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2019 - 2021, tại 53 địa phương, 34 Bộ, cơ quan Trung ương có 6.902 tài sản công dôi dư cần phải sắp xếp, xử lý sau sáp nhập. Trong khi tài sản dôi dư trong đợt sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 -2021 còn chưa xử lý xong, thì đợt sắp xếp ĐVHC giai đoạn mới (2023-2025) đã đến. 

Trước mắt, là giai đoạn 2023 - 2025, sẽ có 50 đơn vị cấp huyện và 1.243 đơn vị cấp xã thực hiện sắp xếp đợt này, do vậy số tài sản, nhà đất dôi dư vì thế cũng rất lớn. Trong khi đó các trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài.

Cụ thể, tại tỉnh miền núi Cao Bằng, sau gần 4 năm thực hiện sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện, 38 đơn vị cấp xã dư ra 230 cơ sở nhà, đất cần sắp xếp lại. Trong đó, có 170 cơ sở nhà, đất giữ lại, tiếp tục sử dụng; 66 cơ sở nhà, đất dôi dư… Tuy nhiên, việc xử lý 66 nhà này còn rất chậm, nhiều dãy nhà vẫn đang bị bỏ không và xuống cấp.

Còn tại Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2021, sau khi sắp xếp ĐVHC đã giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã và 303 đơn vị sự nghiệp công lập khác. Sau sáp nhập, Thanh Hóa có 537 tài sản công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn. Trong đó, 455 cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án xử lý còn lại 82 cơ sở nhà, đất dôi dư vẫn chưa có phương án sắp xếp.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8 về việc chậm xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8 về việc chậm xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập

Theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Tứ: Việc chậm xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập, nguyên nhân do vướng các quy định phương án đấu giá quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng.

Theo quy định tại các Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP và  Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ về về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện thực tế. Điển hình, quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP không cho phép phá dỡ, thanh lý tài sản trên đất. 

Tuy nhiên, khi thực hiện đấu giá các dự án, thì giá trị còn lại của tài sản phải được tính vào giá trị khi đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, tài sản dôi dư sau sáp nhập ở các huyện miền núi lại nằm ở các vùng khó khăn nên không có tính thương mại, trong khi lại phải trả tiền mua tài sản trên đất nên rất khó thu hút nhà đầu tư.

Tỷ lệ xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập còn thấp

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm kể từ khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng.

Trước thực tế đó, cuối năm 2023, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các công điện, trong đó có nội dung về sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất. Sau đó, Bộ Tài chính đã có Công văn số 9899/BTC-QLCS ngày 15/9/2023 và Công điện số 02/CĐ-BTC ngày 18/12/2023 đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát tài sản công, các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng và căn cứ các hình thức xử lý tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, cơ sở nhà, đất đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Về cơ chế, Bộ Tài chính được giao sửa Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công) và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Chính phủ cho phép xây dựng nghị định mới thay thế 2 nghị định này theo trình tự thủ tục rút gọn. Hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình xây dựng nghị định thay thế.

Trụ sở xã Lử Thẩn (cũ) của huyện Si Ma Cai (Lào Cai) được cải tạo làm khu nội trú, nhà công vụ giáo viên và nơi sinh hoạt cộng đồng. Ảnh Trọng Bảo
Trụ sở xã Lử Thẩn (cũ) của huyện Si Ma Cai (Lào Cai) được cải tạo làm khu nội trú, nhà công vụ giáo viên và nơi sinh hoạt cộng đồng. Ảnh Trọng Bảo

Về bố trí nguồn lực, hiện có hơn 600 xã, 14 huyện trong diện sáp nhập. Theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ bố trố trí 600 tỷ đồng để hỗ trợ một lần, tức một huyện được hỗ trợ 20 tỷ đồng, một xã được 500 triệu đồng để thực hiện sắp xếp.

Mới đây, 21/8, tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ - bà Phạm Thị Thanh Trà về việc chậm trễ sắp xếp tài sản công dôi dư dẫn đến lãng phí kéo dài.

Trả lời các ý kiến chất vấn bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 651 đơn vị hành chính cấp xã, thì có dôi dư 864 trụ sở. Đến thời điểm hiện nay, mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận rằng, việc giải quyết các trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc định giá đất và tài sản. Vướng mắc lớn nhất, là công tác xác định giá đất, giá tài sản còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó sẽ tháo gỡ được những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, các địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư.