Những ngày vừa qua, mưa lũ đã khiến hàng chục nghìn căn nhà của người dân miền Trung chìm trong nước, đã có nhiều người chết và mất tích... Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, tình trạng ngập, lụt ở miền Trung còn kéo dài.
Một trong những khó khăn của người dân ở các tỉnh miền Trung là tình trạng thiếu nước sạch, nước sinh hoạt sau lũ. Khi nước lũ tràn về, tất cả các giếng nước đều bị nhiễm bẩn bởi bùn đất, rác thải... Nước ô nhiễm dễ gây ra các bệnh đau mắt, sốt xuất huyết, tiêu chảy, lỵ, các bệnh ngoài da như ghẻ lở, nước ăn chân, viêm kẽ chân do vi khuẩn...
Vì vậy, công việc đầu tiên của người dân vùng lũ sau khi nước rút là xử lý môi trường, khôi phục nước sinh hoạt. Các cơ quan y tế hỗ trợ, cùng với người dân thực hiện nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Ngành Y tế các địa phương cùng với sự hỗ trợ của tuyến trên tổ chức tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh để có biện pháp đối phó kịp thời; chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch, hạn chế thấp nhất các ổ dịch xảy ra rồi mới chạy theo dập dịch.
Trong những ngày mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng tại Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã chỉ đạo các địa phương phải kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân, bảo đảm sức khỏe cho người già, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phải bảo đảm thuốc men để phòng chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cũng như chia sẻ những mất mát với gia đình có người tử vong, mất tích.
Ðể làm tốt việc này, ngành Y tế địa phương hướng dẫn Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, bảo đảm an toàn, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động đối phó với tình huống mưa lũ lớn gây chia cắt dài ngày.
Quảng Bình cũng là một địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết: Để chủ động chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, ngành Y tế Quảng Bình đã tiến hành rà soát, bổ sung nguồn dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; Hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt cách xử lý vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Các hoạt động truyền thông, cung cấp cho người dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch bệnh cũng được đẩy mạnh.
Tại TP. Hội An, sau mưa lũ Trung tâm Y tế dự phòng khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường; thu gom vớt xác động vật và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý; phối hợp với nhân viên ngành Y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ…
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi triển khai vệ sinh môi trường sống sau mưa lũ, nên dùng khẩu trang hoặc mặt nạ, mang ủng cao su, đeo găng tay để tránh mắc bệnh truyền nhiễm.