Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chăm lo bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể là chăm lo cái cốt lõi của bản sắc dân tộc...

Hoàng Thùy - 10:50, 22/12/2022

"Chăm lo bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là chăm lo sự gắn kết giữa truyền thống, hiện tại và tương lai, chăm lo cái cốt lõi của bản sắc dân tộc. Các sở, ban, ngành địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế"... Đó là quan điểm, sự nhìn nhận thống nhất của tỉnh Đắk Lắk, đã được Phó Chủ tịch tỉnh H’Yim Kdoh nhấn mạnh tại Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới diễn ra gần đây, khi tỉnh có thêm 2 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Y Wuang H’winh là người giỏi hát kể sử thi và thuộc nhiều bài lời nói vần của huyện Cư M’gar
Nghệ nhân Y Wuang H’winh là người giỏi hát kể sử thi và thuộc nhiều bài lời nói vần ở huyện Cư M’gar

Những di sản quý

Năm 2022, Đắk Lắk có thêm 2 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công bố, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người Mnông huyện Lắk và Di sản về Ngữ văn dân gian "Lời nói vần của người Ê Đê tại huyện Cư M’gar.

Lời nói vần, tiếng Ê Đê gọi là “Klei duê”. “Klei" có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết - Lời nói có sự kết nối với nhau bằng các âm tiết cùng vần, hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Trong sinh hoạt văn hóa và đời sống của đồng bào Ê Đê trước đây, lời nói vần được sử dụng khá phổ biến và xuất hiện trong tất cả các thể loại văn học dân gian. Bởi lời nói vần được kết nối với nhau theo vần điệu nên người nghe tiếp thu nhanh và nhớ lâu.

Nghệ nhân Y Wang Hwing, buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cho biết: Nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình phát triển của người Ê Đê. Đó có thể là kinh nghiệm về thiên nhiên, kinh nghiệm về xã hội và con người. Điều quan trọng là phải biết kết hợp, kết nối, lựa chọn những đoạn hay, câu nói ngắn gọn, dễ hiểu có vần điệu để thu hút người nghe.

Theo thống kê của Sở VHTT&DL Đắk Lắk, huyện Cư M’gar hiện có 318 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tập trung nhiều nhất lại xã Ea Tul.

Ông Y Mang - Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Cư M’gar chia sẻ: Lời nói vần được tạo ra bởi tri thức dân gian, góp phần làm phong phú, đa dạng di sản văn hóa dân gian và bản thân ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Ê Đê. Lời nói vần thì có thể sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, từ giờ nghỉ giải lao trên nương rẫy, lúc đi lấy nước hay nhâm nhi bên ché rượu cần cùng anh em tâm tình hoặc người già răn dạy con cháu.  

Nếu như Lời nói vần là loại hình Ngữ văn dân gian độc đáo của người Ê Đê, thì Lễ mừng thọ của người Mnông ở huyện Lắk, lại là tập quán, phong tục mang tính tâm linh, có ý nghĩa gắn kết gia đình, dòng tộc, buôn làng. Lễ mừng thọ thường được tổ chức sau thời gian kết thúc mùa màng, vào tháng 1 đến tháng 2 hằng năm.

Lễ mừng thọ thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, xã hội, thể hiện sự trọng vọng, tôn kính đối với người cao tuổi. Bản thân người cao tuổi cũng cảm thấy được tôn vinh sẽ sống vui, sống khỏe hơn.

Phục dựng Lễ mừng thọ của người Mnông tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk. (Ảnh: H Yur)
Phục dựng Lễ mừng thọ của người Mnông tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk. (Ảnh: H Yur)

Theo phong tục truyền thống của đồng bào Mnông, khi cha mẹ được 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức Lễ mừng thọ cho cha mẹ, nhằm thể hiện sự biết ơn, công lao đã sinh thành, buôi dưỡng của cha mẹ. Trước kia, buổi Lễ mừng thọ cho cha mẹ thường được người con gái cả tổ chức, nhưng ngày nay tất cả những người con đều được tổ chức Lễ mừng thọ cho cha mẹ mình.

Với đồng bào Mnông, Lễ mừng thọ là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong vòng đời người. Bởi lẽ mỗi lần tổ chức, thì con cháu, bà con trong buôn lại được dịp sum họp, quây quần để cầu chúc cho ông bà, cha mẹ có sức khỏe, bình an và sống lâu cùng con cháu. Đồng thời, còn là dịp để anh chị em trong nhà cùng nhau chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống.

Động lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 3 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm Sử thi, Lễ mừng thọ của người Mnông và Lời nói vần của người Ê Đê. Mang giá trị tinh thần quý báu xuất phát từ buôn làng, những di sản này, chính là báu vật cần được bảo tồn, phát huy trong các buôn làng.

Bà H’Yim Kdoh (bìa phải) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cho đại diện 2 huyện có di sản được công nhận
Bà H’Yim Kdoh (bìa phải) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cho đại diện 2 huyện có di sản được công nhận

Nói đến bảo tồn di sản văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm đề xuất giải pháp: Cách bảo tồn hai di sản này, tốt nhất là chuyển từ sinh hoạt diễn xướng truyền miệng thành bộ sách, băng đĩa, ghi âm, ghi hình… và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng để người đồng bào DTTS nghe; biên soạn thành sách song ngữ Việt - Ê Đê đưa vào thư viện các trường dân tộc nội trú; phát về buôn làng… 

Còn đối với Lễ mừng thọ của người Mnông, hàng năm có thể phục dựng nghi lễ này trong Ngày hội Đại đoàn kết. Quan tâm vai trò của người cao tuổi, Người có uy tín, chức sắc tôn giáo để vận động bảo tồn, phát huy di sản.

Phát biểu tại Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mới đây, Phó Chủ tịch tỉnh H’Yim Kdoh cho biết: Di sản văn hóa là sự hội tụ, kết tinh những giá trị truyền thống được đúc kết từ ngàn đời của một vùng đất, một dân tộc và của toàn nhân loại. Chăm lo bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là chăm lo sự gắn kết giữa truyền thống, hiện tại và tương lai, chăm lo cái cốt lõi của bản sắc dân tộc.

"Việc Đắk Lắk được đón nhận thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là nguồn động lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế tại địa phương",  Phó Chủ tịch tỉnh H’Yim Kdoh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.