Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào DTTS: Thêm rào cản cho mục tiêu giảm nghèo

PV - 15:02, 24/10/2018

Đất rừng là tư liệu sản xuất gắn liền với tập quán canh tác của đồng bào các DTTS sinh sống ở miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh hàng trăm nghìn hộ DTTS đang thiếu đất canh tác thì có rất nhiều gia đình, dù có đất sản xuất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là một rào cản trong việc nâng cao kỹ năng tiếp cận, quản lý, sử dụng hiệu quả đất rừng của đồng bào DTTS.

Giấy chúng nhận quyền sử dụng đất Cấp GCNQSDĐ tạo điều kiện cho đồng bào DTTS ổn định phát triển sản xuất. (Ảnh minh họa)

Chậm vì thiếu kinh phí

Tại một hội nghị của ngành đầu năm 2018, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: tính đến cuối năm 2017, các địa phương giao hơn 930.000ha rừng cho gần 440.000 hộ DTTS (trung bình 2,13ha/hộ). Diện tích rừng được cấp GCNQSDĐ là 885.452ha, chiếm 94,5% diện tích rừng giao cho các gia đình DTTS. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều địa phương, việc cấp GCNQSDĐ vẫn chậm tiến độ.

Như ở Tuyên Quang, qua rà soát, toàn tỉnh còn 24.259 hồ sơ đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Nhưng tính đến hết năm 2017, tỉnh mới thực hiện cấp được 12.707 hồ sơ. Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII (tháng 6/2018), nhiều đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang đã “truy” đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về tiến độ cấp GCNQSDĐ vì sao lại chậm như vậy.

Còn tại Bình Định, theo số liệu được nêu trong Đề án ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế-xã hội các thôn, làng có đồng bào DTTS sinh sống giai đoạn 2016-2020 (được phê duyệt tại Quyết định 886/QĐ-UBND ngày 15/3/2017), toàn tỉnh hiện có 119 thôn, làng đồng bào DTTS sống thành cộng đồng dân cư thuộc 33 xã ở 6 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát. Ở 119 thôn, làng này có 10.313 hộ, nhưng hiện vẫn còn tới 4.489 hộ chưa được giao quyền sử dụng đất lâu dài…

Trong nhiều nguyên nhân khiến việc cấp GCNQSDĐ, nhất là đất thu hồi từ các nông, lâm trường chậm tiến độ có nguyên nhân thiếu kinh phí thực hiện. Đây là thông tin được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả rà soát đánh giá việc thực hiện các chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới và sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường”, diễn ra ngày 16/10/2018. Thông tin dựa trên kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc tại 9 tỉnh, bao gồm: Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Gia Lai, Đăk Lăk, Kiên Giang.

Như tỉnh Tuyên Quang cần tổng kinh phí hơn 61 tỷ đồng để thực hiện rà soát, đo đạc, xác định ranh giới cắm mốc và cấp GCNQSDĐ. Nhưng đến nay, tỉnh mới nhận từ ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí gần 4 tỷ đồng, các công ty lâm nghiệp góp kinh phí 979 triệu đồng, vị chi còn thiếu khoảng 38 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Phú Thọ, dự toán kinh phí thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận là hơn 28 tỷ đồng. Đến nay, ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 15,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 12,6 tỷ đồng; còn thiếu 440 triệu đồng…

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Ở nhiều địa phương, việc cấp GCNQSDĐ cho đồng bào DTTS còn chậm. (Ảnh minh họa)

Có sổ vẫn khó nhận!

Đáng chú ý, kinh phí được cấp mới chủ yếu để đo đạc, cắm mốc và cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, cộng đồng; còn đối với hộ gia đình thì chưa có ngân sách. Bởi vậy ở một số nơi xảy ra tình trạng, dù GCNQSDĐ đã hoàn thành nhưng người dân không thể nhận do không có tiền đóng nộp phí đo đạc, phí thẩm định.

Lấy tỉnh Đăk Nông làm ví dụ. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh thực hiện thu hồi hơn 63 nghìn ha đất từ các nông, lâm trường bị lấn chiếm để bàn giao cho các hộ gia đình thiếu đất sản xuất. Qua đối chiếu, rà soát, tỉnh Đăk Nông xác định tổng diện tích cần phải cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là 28.522,52ha.

Theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh Đăk Nông, tính đến 30/8/2018, tổng diện tích đã đo đạc, lập bản đồ địa chính đạt 27.900ha/28.522,52ha; đã ban hành Quyết định cấp GCNQSDĐ được 19.499,64ha (đạt 66,1%) diện tích cần cấp theo kế hoạch. Trong đó có một số địa phương đạt kết quả cấp GCNQSDĐ cao như huyện Đăk Mil (100%), thị xã Gia Nghĩa (99%) và huyện Krông Nô (99%)…

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân đến nhận GCNQSDĐ lại rất thấp. Như Đăk Mil, toàn huyện có 3.299,83 ha đất cần phải cấp GCNQSDĐ cho người dân. Đến hết năm 2017, huyện đã hoàn tất thủ tục cấp sổ, đạt tiến độ tỉnh yêu cầu. Nhưng tính đến tháng 8/2018, mới có 32,46% tổng số GCNQSDĐ được đến tay người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil, ông Nguyễn Ngọc Lũy, nguyên nhân là do đời sống của các hộ gia đình đồng bào DTTS trong diện được cấp sổ còn nhiều khó khăn, không có điều kiện để lấy sổ. Theo tính toán, tổng kinh phí mỗi hộ phải đóng để nhận GCNQSDĐ trung bình từ 5-6,2 triệu đồng/ha; đây là số tiền không hề nhỏ đối với nhiều hộ DTTS nghèo.

Vì người dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên GCNQSDĐ vẫn “tồn kho” cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Như ở Bình Phước, tỉnh đã cấp đất sản xuất cho 2.461 hộ (trong tổng số 4.200 hộ thiếu hoặc không có đất sản xuất). Tuy nhiên hiện vẫn còn 850 hộ chưa có GCNQSDĐ vì chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho đồng bào DTTS trên phạm vi cả nước thì cần phải có những điều chỉnh trên phương diện tổng thể. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.