Theo kết quả đo đạc năm 2013 cho thấy cây có chiều cao 43m, đường kính ngang ngực đạt 1,78m với nhiều bạnh vè nhô ra rất đẹp mắt, uy nghiêm. Gốc cây sần sùi, mốc meo và có 2 vết cắt, trong đó có một vết khá lớn được cắt sâu vào thân cây. Được biết, đó là những vết cắt mà lâm tặc đã nhiều lần cố đốn hạ cây.
VQG Bến En hiện đang còn nhiều cây gỗ quý có giá trị, nhưng cây lim xanh này được xem là “báu vật” của rừng do có giá trị lớn về mặt kinh tế và bảo tồn nguồn gen quý nên lâm tặc vẫn nhiều lần nhăm nhe tìm cách hạ cây, nhưng nhờ có sự phát giác, chung tay bảo vệ rừng của người dân nên cây lim cổ thụ và nhiều khu rừng quanh vùng vẫn phát triển xanh tốt.
Ông Lê Đình Phương, Phó Giám đốc VQG Bến En cho biết: Năm 2011-2013, VQG Bến En đã thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển loài lim xanh (Erythrophleum Fordii Oliv) tại VQG Bến En tỉnh Thanh Hoá”, trong đó có một nội dung cực kỳ quan trọng, đó là phục tráng và bảo tồn cây lim nghìn năm tuổi bằng nhiều biện pháp như: Xây dựng hàng rào bảo vệ, tuyên truyền cho cộng đồng về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn cây lim xanh cổ thụ nói riêng; phát dọn dây leo, bụi rậm; phun thuốc xử lý nấm, mục, diệt mối quanh gốc; phun thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc liền vết thương,…
Thông qua đề án này, VQG Bến En đang khoanh vùng khoảng 1.000ha lim xanh tự nhiên và trồng mới khoảng 5ha rừng lim (được lấy hạt từ cây lim cổ thụ và hạt lim trong rừng) để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài. Nhờ đó mà giờ đây, nhiều cánh rừng lim xanh tại VQG Bến En đang phát triển sinh trưởng tốt, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học tại đây.
Đến nay sau hơn 3 năm bảo vệ, chăm sóc cây lim đã xanh tốt trở lại, hiện nay đã phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài.
QUỲNH TRÂM