Hát páo dung ra đời và phát triển trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Páo dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Dao ở Tuyên Quang.
Hát páo dung được chia thành các loại hình: hát páo dung sinh hoạt (hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…; hát páo dung lễ nghi tín ngưỡng-phong tục (hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng…); Hát páo dung trong lao động... Giá trị văn hóa lớn nhất của hát páo dung là định hướng, giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết cội nguồn của dân tộc, quê hương.
Phần lớn các làn điệu páo dung cổ được ghi bằng chữ Nôm-Dao (theo chữ viết riêng của dân tộc Dao). Trong khi, những người biết tiếng Nôm-Dao chủ yếu tập trung ở những người làm nghề thầy cúng, nhưng họ chỉ quan tâm đến các làn điệu phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, do đó, nguy cơ thất truyền, mai một các làn điệu páo dung cổ là rất lớn.
Bà Bế Thị Hóa, dân tộc Dao, thôn Khuổi Xoan cho biết: “Hiện, giới trẻ không còn thiết tha với những điệu hát cổ nữa, nếu không tìm cách bảo tồn, sợ rằng sau này những ngày lễ lớn, điệu hát truyền thống chỉ được nhắc lại qua ghi âm và câu chuyện kể bằng miệng”.
Trước tình trạng nguy cơ bị mai một nét văn hóa đặc sắc đó, CLB hát Páo Dung, múa cầu mùa thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang được thành lập với 30 thành viên tham gia. Việc thành lập CLB hát Páo Dung tại thôn Khuổi Xoan được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền, già làng, trưởng bản.
Thông qua việc ra mắt CLB hát Páo Dung đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế các hoạt động tín ngưỡng, mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Ông Chu Tấn Tài, thành viên CLB hát Páo Dung thôn Khuổi Xoan chia sẻ: “Với người Dao, hát páo dung luôn được giữ gìn như báu vật, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nam thanh nữ tú người Dao lại rủ nhau đi hát từ bản này sang bản khác. Cuộc hát say sưa khiến họ tưởng chừng như quên ngày, quên tháng, nên dẫu có tàn cuộc, chia tay, dường như những cuộc páo dung vẫn chưa bao giờ kết thúc...”.
Hiện, CLB hát Páo Dung đang duy trì hoạt động vào ngày cuối tuần tại Nhà văn hóa thôn Khuổi Xoan. Đây không chỉ là nơi tập hát của người già và các thành viên của CLB, mà còn là nơi thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ người Dao trên địa bàn xã Hồng Quang. CLB hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí, bằng hình thức kêu gọi sự đóng góp của chính những thành viên tham gia và tổ chức biểu diễn văn nghệ có thu phí tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Việc biểu diễn hát páo dung tại khu du lịch cộng đồng giúp lan tỏa văn hóa người Dao đến du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa người Dao ở Tuyên Quang.
Ông Trần Trọng Phi Trường, Chánh Văn phòng huyện Lâm Bình cho biết: “Du khách đến với huyện Lâm Bình rất thích thú khi được thưởng thức làn điệu dân ca páo dung-một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hát páo dung đã trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong tour du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện”.
NGHĨA HIỆP