Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cao Bằng: Khai mạc Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc

Trương Vui - 17:45, 07/10/2023

Tối ngày 6/10, tại Cao Bằng, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2023 với chủ đề “Về miền non nước” đã chính thức khai mạc. Tham dự có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện 10 tỉnh, thành phố; đại diện khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, cùng hàng nghìn du khách trong và ngoài nước.

Chương trình nghệ thuật tại chương trình khai mạc Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc 2023
Chương trình nghệ thuật tại đêm khai mạc Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc 2023. Ảnh: nhandan.vn

Tại lễ hội, ông Trịnh Trường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, với vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có, danh thắng quốc gia thác Bản Giốc được nhiều hãng thông tấn, báo chí trên thế giới vinh danh là thác nước lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; một trong những thác nước đẹp nhất thế giới; một trong 10 thác nước kỹ vĩ nhất thế giới; top 7 thác nước hùng vĩ nhất thế giới; top 7 kỳ quan thiên nhiên ở châu Á.

Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, vùng đất, con người Cao Bằng, thông qua đó, giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc tới du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Tiếp nối thành công của các mùa lễ hội trước, Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 được tổ chức trong điều kiện, cơ hội mới, khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai bên qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, lễ hội năm nay kỳ vọng sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, từ đó tiếp tục phát huy, khai thác thế mạnh của thác Bản Giốc trong thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương.

Tại đêm khai mạc lễ hội đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều tiết mục văn nghệ, âm thanh, ánh sáng hoành tráng, đặc biệt là tiết mục hát Then đàn Tính với sự tham gia của 1.000 nghệ sỹ, người yêu thích hát Then đàn Tính.

Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Thác Bản Giốc thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, sáng 6/10, UBND tỉnh tổ chức Lễ rước nước cầu quốc thái dân an từ thác Bản Giốc lên chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc, bày tỏ lòng thành kính, tri ân với những bậc tiền nhân khai quốc, các anh hùng liệt sỹ; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Với chủ đề "Về miền non nước", lễ hội tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, cổ vũ, khuyến khích hoạt động phong trào, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới...

Trong chương trình lễ hội, nhiều hoạt động đã diễn ra như: trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực; hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền non nước”.

Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội năm nay có những hoạt động mới, lần đầu tiên được tổ chức như: Trải nghiệm vườn dẻ xóm Bản Khấy; Chương trình “Hát Then - đàn Tính với sự tham gia của 1.000 người” chủ đề “Cội nguồn và bản sắc Then Tính Cao Bằng”.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.