Cao Bằng là tỉnh có điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nông nghiệp, có thể tạo ra nhiều loại nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ điều kiện đó, nhiều HTX kiểu mới đã tập trung vào phát triển các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp.
Đầu năm 2010, HTX nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng đầu tư nhà xưởng sản xuất nấm hương theo phương thức hữu cơ, 100% không sử dụng phân bón hóa học. Đến nay, mô hình đã cho thấy những kết quả tích cực, đem lại thu nhập ổn định cho xã viên, kể cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 với chiều hướng diễn biến khó lường.
Vụ đầu tiên, HTX thu hoạch được hơn 8 tấn nấm. Năm 2021, HTX đầu tư thêm 2 tỷ đồng, tiếp cận với các nguồn vốn từ Liên minh HTX Cao Bằng, mở rộng diện tích trồng nấm lên hơn 4.000 m2, cấy hơn 10 vạn phôi nấm, dự kiến cho thu hoạch từ 35 - 40 tấn nấm hương. Các sản phẩm nấm hương của HTX đang trong quá trình xây dựng, đăng kí chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OPCOP của địa phương.
Chị Nông Thị Yên, Giám đốc HTX Yên Công chia sẻ: Sản phẩm nấm hữu cơ của HTX ngay từ nguyên liệu đầu vào được lựa chọn rất cẩn thận, sạch, không dùng các loại hóa chất, chất kích thích. Chúng tôi đang mở rộng phát triển để đưa sản phẩm tới các thị trường lớn hơn ở trong và ngoài nước.
Theo Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, đến nay toàn tỉnh Cao Bằng có trên 374 HTX, thu hút trên 3.400 thành viên, với tổng vốn điều lệ trên 750 tỷ đồng; trong đó, 119 HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã tập trung các nguồn lực, thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX phát triển và thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ gần 300 HTX đổi mới, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; hỗ trợ 120 HTX thành lập mới đúng luật định; thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX với số vốn trên 10 tỷ đồng, tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận nguồn vốn…
Đặc biệt, các HTX giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: miến dong, rau sạch hữu cơ, lợn hương, lợn đen, thịt hun khói…
Việc chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới, tạo thuận lợi cho các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ổn định, nhất là đối với một số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Vai trò của HTX đã được nâng lên thông qua việc thực hiện tốt các khâu tổ chức sản xuất, mở rộng các dịch vụ, mở rộng các liên kết từ cung ứng sản phẩm đầu vào tới tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường.
Ông Ngô Hà Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt việc tham mưu trong tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của các đơn vị thành viên.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các lĩnh vực, trong đó khuyến khích phát triển HTX kiểu mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị, từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ… Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, HTX trong thời kì đổi mới; lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho các HTX…