Nâng cấp hệ thống chợ truyền thống
Yên Thổ là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bảo Lâm, địa bàn sinh sống của khoảng 1.065 hộ, với 5.079 nhân khẩu, 100% là đồng bào DTTS. Trước đây, Yên Thổ là xã xa xôi nhất, hẻo lánh nhất của huyện Bảo Lâm, không chỉ vì giao thông cách trở mà còn vì đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn còn vô cùng khó khăn, thiếu hụt nhiều chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản.
Nay Yên Thổ đã gần hơn, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 là động lực quan trọng giúp Yên Thổ hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Toàn xã hiện có 73% số thôn bản đạt chuẩn văn hóa; 82% số hộ trong xã có nhà ở đạt tiêu chuẩn; 82% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu; 95% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh;...
Từ năm 2022 đến nay, nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 lồng ghép hiệu quả với các chương trình, dự án khác đã giúp Yên Thổ kéo điện về các xóm vùng sâu. Chính sách hỗ trợ sản xuất cũng đã giúp người dân Yên Thổ tập trung chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản và các loại cây đặc sản của địa phương để tăng thu nhập.
Ở xã Yên Thổ, nhiều hộ dân đã vươn lên, phát triển kinh tế với nhiều nông sản đặc trưng. Trong đó, người dân Yên Thổ đã tập trung phát triển diện tích trồng giống lúa Khẩu Siên Păn để sản xuất gạo nếp cẩm - một trong những loại gạo đặc sản nối tiếng của huyện Bảo Lâm.
Nếu ví kinh tế - xã hội của Yên Thổ như một cơ thể đang phát triển mạnh thì chợ của xã đang là một chiếc áo rất chật. Không chỉ diện tích nhỏ hẹp mà hạ tầng của chợ đã xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong xã.
Chính vì vậy, năm 2022, thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG 1719, UBND huyện Bảo Lâm đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp chợ xã Yên Thổ. Trên nền chợ cũ, UBND huyện Bảo Lâm đã thực hiện thu hồi thêm 0,006ha đất liền kề để mở rộng chợ; tổng mức đầu tư của dự án là 800 triệu đồng. Sau khi hoàn thành đầu tư, chợ Yên Thổ cơ bản đáp ứng được nhu cầu buôn bán của người dân địa phương.
Cũng như Yên Thổ, từ năm 2022, nhiều xã khu vực III của tỉnh Cao Bằng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ trên địa bàn. Theo danh sách trong Công văn số 4292/BCT-TTTN ngày 25//7/2022 của Bộ Công thương về hướng dẫn thực hiện nội dung đầu tư phát triển mạng lưới chợ thuộc Dự án 4 – Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao bằng được xây mới 88 chợ và cải tạo, nâng cấp 56 chợ.
Với hệ thống chợ được xây mới bổ sung và những chợ được nâng cấp, cải tạo sẽ đẩy ngành thương mại của tỉnh đạt tăng trưởng nhanh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Tiền đề cho kinh tế số
Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, hiện tỉnh Cao Bằng đã và đang chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), tạo động lực thúc đẩy kinh tế số. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội đang vào cuộc để hỗ trợ người dân ở các địa bàn khó khăn tiếp cận và phát triển TMĐT.
Theo bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, Sở đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh. Riêng trong năm 2022, 2023, Sở Công thương đã tổ chức được 36 lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng TMĐT cho 1.300 học viên là lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động, sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Theo bà Oanh, mục tiêu của tỉnh Cao Bằng là đến năm 2025 có khoảng 40% dân số tại các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh tham gia các hình thức mua sắm trực tuyến; 40% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT…
Để đạt mục tiêu đó, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, cùng với Sở Công thương và các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tham gia “phủ sóng” kiến thức TMĐT đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mỗi tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động để hỗ trợ đoàn viên, hội viên của mình.
Như Tỉnh đoàn Cao Bằng, từ tháng 7 đến tháng 11/2024, đơn vị này đã tổ chức các hội nghị tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên DTTS tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Thạch An, Hà Quảng, Hoà An, Hạ Lang, Quảng Hoà, Trùng Khánh và TP. Cao Bằng.
Tại các hội nghị tập huấn, đoàn viên thanh niên DTTS đã được báo cáo viên tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; trang bị các kiến thức tổng quan về phát triển nguồn nhân lực thương mại, TMĐT; ứng dụng TMĐT và chuyển đổi số trong triển khai mô hình khởi nghiệp;...
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 là động lực để tỉnh giải quyết nhiều vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Hơn nữa, Chương trình còn tạo nền tảng quan trọng để Cao Bằng hướng tới thực hiện nhiều mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; trong đó có mục tiêu phát triển thương mại ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong quá trình triển khai công tác tuyên truyền về Chương trình MTQG được thực hiện thường xuyên, rộng khắp bằng nhiều hình thức linh hoạt, nhờ đó mà người dân được tiếp cận, hiểu biết thông tin và đồng thuận trong việc tham gia thực hiện.
Theo thống kê tại trang “tmdt.mic.gov.vn”, hiện tỉnh Cao Bằng có 3.806 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT; số giao dịch trên sàn là 21.139 giao dịch, tỷ lệ giao dịch trên tài khoản active chiếm 21%. Hiện tại, có 164 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh được cập nhật, giới thiệu trên Cổng thông tin giao dịch TMĐT tỉnh Cao Bằng. Khi đưa sản phẩm lên các sàn, trang TMĐT, các đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp cận được với khách hàng nhiều hơn, quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm ra với khách hàng trong và ngoài nước.