Tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hiện có 335 hộ, 1.095 nhân khẩu. Trước đây, tình hình an ninh trật tự của địa phương khá ổn định chỉ thỉnh thoảng xảy ra trộm cắp vặt như trộm gà, vật liệu xây dựng... Tuy nhiên từ trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp với tài sản có giá trị tương đối lớn.
Thiếu tá Trần Quang Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 9 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản với 10 đối tượng phạm tội bị bắt và khởi tố (tăng 7 vụ, 4 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020). Địa bàn các đối tượng gây án chủ yếu ở các xã: Mường So, Bản Lang, Sì Lở Lầu và Vàng Ma Chải.
Theo Thiếu tá Hưng, hầu hết các đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản có giá trị như: xe máy, tiền mặt, điện thoại… Điều đáng nói, các đối tượng phạm tội hoạt động rất liều lĩnh, manh động, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng đã biết móc nối, lợi dụng sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của chủ tài sản để gây án.
Không chỉ riêng huyện Phong Thổ mà nhiều địa phương khác trên cả nước tình hình tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản cũng diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Viện kiểm sát huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, từ 2019 đến nay, trong tổng số vụ xâm phạm sở hữu thì tội phạm trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 75 vụ , chiếm 66,4 % (trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay là 20 vụ).
Phân tích về nguyên nhân của tội phạm, Tiến sĩ Lý Văn Quyền, Giảng viên bộ môn Tội phạm học, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Thông thường thời điểm kinh tế khó khăn, những vụ phạm tội càng xảy ra nhiều hơn. Trước hết là các vụ trộm cắp, cướp giật tài sản.
Trong khi đó, trên thực tế, không ít các nạn nhân đã tạo ra điều kiện để xảy ra hành vi phạm tội. Nạn nhân của các tội phạm này đã buông lỏng sự quản lý và bảo vệ tài sản của mình, thiếu thận trọng trong cuộc sống, phô trương tài sản, mất cảnh giác…
Theo đó, cơ quan chức năng cần tăng cường thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm xâm phạm sở hữu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tích cực tham gia phong trào phòng chống tội phạm, tích cực tố giác tội phạm. Đặc biệt, chú trọng hình thức tuyên truyền, vận động cá biệt đối với các đối tượng có nguy cơ phạm tội, tái phạm và tại các địa bàn trọng điểm về trật tự, an toàn xã hội.
Về phía người dân cũng cần nâng cao cảnh giác. Khi không thực sự cần thiết, người già, phụ nữ và trẻ nhỏ không nên ra ngoài đường vào những khung giờ đêm muộn, tại những đoạn đường vắng. Khi ra đường không nên phô trương tài sản mà cần chú ý quản lý tài sản chặt chẽ nhằm tránh các rủi ro không đáng có.