Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cảnh giác với tình trạng lừa đảo tiêm phòng vắc xin Covid-19

Thiên Đức - 19:03, 19/07/2021

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, lừa đảo người dân mua vắc xin Covid-19. Do đó, người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, cần hết sức cảnh giác tình trạng này.

 Người dân lưu ý tiêm vắc xin là hoàn toàn miễn phí
Người dân lưu ý tiêm vắc xin là hoàn toàn miễn phí

Muôn kiểu lừa đảo

Anh Nông Xuân Thái, quê ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho biết, trước đây anh làm công nhân cho một nhà máy ở khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, anh đã nghỉ làm và chuyển sang chạy xe ôm công nghệ kiếm sống. 

Do đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển, anh rất mong muốn được tiêm vắc xin Covid-19. Vì vậy, thời gian qua, khi nhận được tin nhắn lấy thông tin để tiêm ngừa vắc xin, anh đã rất mừng nên không ngần ngại điền đầy đủ thông tin. 

Không những vậy, anh còn gửi một khoản tiền tạm ứng cho đối tượng lạ mặt này. Thế nhưng, anh chờ mãi không thấy phản hồi mới biết mình đã bị lừa.

Không chỉ mất tiền như anh Thái, trên thực tế, nhiều người nhẹ dạ cả tin còn bị các đối tượng lừa tiêm vắc xin giả. Theo thông tin từ Tòa án Nhân dân TP. Quy Nhơn (Bình Định), từ cuối năm 2020, Tòa án đã mở phiên tòa xét xử đối với Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định), về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc tiêm vắc xin giả cho nhiều người, trong đó có vắc xin phòng Covid-19.

Theo cáo trạng, đầu tháng 7/2019, do nợ nần và thấy nhiều người dân có nhu cầu tiêm ngừa, nhưng các Trung tâm Y tế không đủ vắc xin để tiêm, nên bị cáo nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác. Sương tự xưng là nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, giới thiệu bản thân có khả năng tiêm ngừa vắc xin dịch vụ tại nhà và tư vấn những kiến thức về tiêm chủng để nhiều người tin tưởng.

Sau khi có người sập bẫy, Sương đến hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh và các dụng cụ y tế khác, rồi về nhà pha trộn, bơm sẵn các dung dịch này vào các ống tiêm, cất trong ca nhựa có đá lạnh. Sau đó, bị cáo đến nhà tiêm cho từng người theo lịch đã hẹn trước. Bị cáo Sương nói dối rằng, trong các ống tiêm chứa vắc xin ngừa các bệnh như: viêm gan A, viêm gan B, viêm màng não, HPV gây ung thư, ngừa đột quỵ, cúm, viêm não Nhật Bản, phế cầu, tiêu chảy Rotavirus, thậm chí ngừa Covid-19...

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 7/2019 - 10/3/2020, Tiêu Thị Tuyết Sương đã liên tục thực hiện hành vi “tiêm ngừa” cho 34 người (trong đó có 22 trẻ em dưới 16 tuổi), chiếm đoạt tổng cộng hơn 63 triệu đồng của 18 bị hại tại TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.

Cảnh báo người dân

Đặc biệt, thời gian gần đây, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo, hiện xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua/nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng…

Đáng chú ý, một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất, hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khuyến cáo: Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương trả giá cho hành động của mình
Bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương trả giá cho hành động của mình

Theo đó, các loại vắc xin phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam, phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc xin để tổ chức tiêm chủng cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêm cho rất nhiều người. Vắc xin được tiêm chủng hoàn toàn miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

Đặc biệt, tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

(Nội dung thông tin,  tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.