Khách hàng “tiền mất, tật mạng”!
Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “thiết bị tiết kiệm điện” trên Google, người tiêu dùng có thể dễ dàng có thông tin, công dụng và giá cả của hàng trăm thiết bị, ổ cắm tiết kiệm điện. Hầu hết các thiết bị này đều được quảng cáo, có thể tiết kiệm 30 - 40% tiền điện cho doanh nghiệp, gia đình; giúp tăng tuổi thọ các thiết bị điện; lắp đặt đơn giản, tiện dụng; không nắn chỉnh dòng điện chính, không gây nhiễu điện... Giá cả của các thiết bị này cũng rất phải chăng, chỉ vài trăm ngàn đồng/bộ thiết bị.
Tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội, anh Vũ Ngọc Dao, ở phường Mông Dương, Tp. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã bỏ ra 590.000 đồng mua 1 thiết bị tiết kiệm điện về sử dụng đúng như hướng của nhân viên bán hàng. Nhưng qua 1 tháng sử dụng, không những số điện và số tiền điện phải đóng không giảm mà còn tăng hơn tháng trước.
Anh Vũ Ngọc Dao chia sẻ: "Tôi đặt mua 1 thiết bị tiết kiệm điện được rao bán trên mạng. Cách thức đặt mua hàng rất đơn giản, tôi chỉ cần vào trang mạng rao bán thiết bị tiết kiệm điện như khuyenmai....com, sanphamch....info, sau đó tôi để lại thông tin, số điện thoại và khoảng 3 phút sau tôi nhận được điện thoại để xác nhận đã đặt mua hàng. Nhân viên này cho biết, thiết bị có giá 590.000 đồng và sẽ được giao sau 2 - 3 ngày. Và đúng 4 ngày, hàng ship về tận nhà tôi. Sau khi sử dụng 1 tháng, tôi so sánh tiền điện với tháng trước, tôi biết mình bị lừa!".
Với mong muốn gia đình được giảm tiền điện khi mùa Hè đến, anh Nguyễn Hoài Nam ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cũng mua 2 thiết bị tiết kiệm điện.
Anh Nam cho biết, anh vào trang mạng rao bán thiết bị tiết kiệm điện, khi chát với nhân viên bán hàng, anh có kể với nhân viên tư vấn về việc gia đình mình mỗi tháng phải chi trả gần 2 triệu đồng tiền điện, thì người này tư vấn cần mua 2 thiết bị gắn vào ổ cắm là có thể giảm được 500 - 600 nghìn đồng tiền điện mỗi tháng.
Giá của một thiết bị tiết kiệm điện tại công ty này là 690.000 đồng, nếu mua số lượng lớn trên 10 sản phẩm sẽ được giảm còn 400.000 đồng cho một thiết bị. Nhân viên cho biết thêm, sản phẩm này được công ty phân phối độc quyền, chứ không có đại lý bán lẻ trên thị trường và cam kết rằng, “đây là hàng chuẩn 100%”.
Sau khi nhận hàng, sử dụng được 1 tháng, anh Nam thấy số tiền điện phải đóng của tháng vừa qua còn cao hơn tháng trước gần 100 nghìn đồng. Anh Nam cẩn thận mở tờ hướng dẫn sử dụng ra xem mình có sử dụng đúng cách không, thì tờ hướng dẫn in toàn bằng tiếng Anh nhưng không hề có mã vạch, nguồn gốc xuất xứ hay địa chỉ công ty phân phối. Anh Nam tìm vào trang Face book hôm trước nhắn tin khiếu nại đòi lại tiền, bởi sản phẩm không đúng như quảng cáo thì bị chặn Face book ngay!
Chuyên gia khuyến cáo
Mặc đù đã xuất hiện trên thị trường nhiều năm nay, thế nhưng cứ đến thời điểm nắng nóng là các chiêu trò quảng cáo, bán sản phẩm tiết kiệm điện lại diễn ra hàng loạt trên các trang mạng xã hội.
Nhiều chuyên gia cho biết, những sản phẩm được quảng cáo không có khả năng tiết kiệm điện như đồn thổi. Thực chất đây chỉ là một thiết bị được cấu tạo khá đơn giản chỉ gồm có 1 tụ điện, 1 bảng mạch gồm 8 con điện trở, giúp chiếu sáng bóng đèn Led.
Để tiết kiệm điện hiệu quả phải xuất phát từ việc sử dụng thiết bị điện đúng cách, đúng lúc, đúng nhu cầu và chọn các thiết bị điện có công nghệ tiết kiệm theo tiêu chuẩn đã được ngành chức năng thẩm định. Chẳng hạn như, khách hàng nên sử dụng bóng đèn Led thay vì đèn dây tóc; máy lạnh, tủ lạnh inverter; khi ra khỏi nhà hoặc không sử dụng thì cúp cầu dao điện, rút dây ra khỏi nguồn điện…
Ông Dương Đức Lập, cán bộ phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện, Công ty điện lực Bắc Ninh khuyến cáo người dân không nên tin một chiều vào quảng cáo mà phải biết cách kiểm tra thông tin, đối chiếu bằng cách liên hệ với các đơn vị nghiên cứu, hay bộ phận chăm sóc khách hàng của các tổng Công ty điện lực để tránh mất tiền oan vì mua phải các thiết bị điện được quảng cáo không đúng sự thật như các thiết bị được quảng cáo tiết kiệm điện.