Mới đây, chị Nguyễn Thị Th. (ngụ phường Linh Tây, Tp. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) bị lừa mất 20 triệu đồng với hình thức gọi Video qua Facebook. Khi chị Th. đang làm việc thì nhận được tin nhắn của bạn thân qua Facebook hỏi mượn 20 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng. Nghi ngờ việc Facebook của bạn bị kẻ gian chiếm tài khoản cho nên chị đã gọi Video để kiểm chứng.
Mở Video, chị Th. vẫn nhìn thấy mặt bạn nhưng hình ảnh mờ, tiếng thoại chập chờn và phía bên kia lý giải đang ở vùng sóng điện thoại yếu và thúc giục chị chuyển gấp. Do tin tưởng đã kiểm tra kỹ, cho nên chị Th. đã chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản "bạn" yêu cầu. Nửa tiếng sau, chị Th. kiểm tra bằng điện thoại mới biết mình bị lừa.
Để thực hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, Video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… rồi sử dụng công nghệ Deepfake để tạo sẵn những Video rất khó phân biệt thật - giả, có hình ảnh, giọng nói của cá nhân để lừa đảo.
Đặc điểm chung của những cuộc gọi Video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi Video trong khu vực phủ sóng di động hoặc Wifi yếu để người nhận cuộc gọi khó xác minh thật, giả. Khi nạn nhân sử dụng Video để kiểm tra, chúng sẽ không nhận cuộc gọi hoặc sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, Video để đánh lừa, tạo niềm tin.
Tại cuộc họp báo quý I/2023 do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết: Gần đây, Công an Thành phố đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác, tích cực điều tra, xác minh, xác định đây là tội phạm không biên giới, có gắn kết với người nước ngoài. Xác định tội phạm chính không phải nằm ở Việt Nam mà ở nước ngoài.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) thông tin thêm: Nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Bộ đã tổ chức làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nâng cao chất lượng định danh tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Từ đó tìm cách làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tài khoản ngân hàng, tiến tới các tài khoản ngân hàng phải được mở tài khoản chính chủ. Theo Trung tá Triệu Mạnh Hùng, thời gian tới, cơ quan chức năng cũng tính đến việc "định danh thực hiện giao dịch" để bảo đảm kiểm soát tốt dòng tiền giao dịch và phong tỏa được dòng tiền mà tội phạm lừa đảo xảy ra.
Cơ quan Công an khuyến cáo và đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi Video với nội dung vay, mượn tiền, giao dịch tài chính qua các ứng dụng mạng xã hội có dấu hiệu bất thường. Nếu có các cuộc điện thoại vay tiền, nhờ chuyển khoản cần gọi điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh, không gọi qua các ứng dụng như Zalo, Messenger, Viber, Telegram…
Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cần cập nhật thêm thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội.