Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản, thì cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng….để thông báo số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng hoặc cung cấp mã OTP để xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”, đồng thời, yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.
Qua những vụ việc trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, đây là thủ đoạn lừa đảo, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”. Theo quy định, tất cả trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc mời người điều khiển phương tiện vi phạm tới đơn vị làm việc.
Đối với việc xử lý vi phạm giao thông như trên, các đơn vị cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.