Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ từ dấu hiệu đau đầu

PV - 11:57, 02/06/2021

Gần đây, các bệnh viện tại Cần Thơ ghi nhận tình trạng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa và gia tăng về số lượng. Hầu hết đều có dấu hiệu cảnh báo bệnh nhưng bệnh nhân chủ quan bỏ qua, điển hình nhất là các cơn đau đầu kéo dài.

Kiểm soát tốt huyết áp sẽ có thể giảm bớt được nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa
Kiểm soát tốt huyết áp sẽ có thể giảm bớt được nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa

Tại Bệnh viện Tim mạch -Đột quỵ Cần Thơ, mỗi ngày, hàng chục bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Trong đó, hai ca ở độ tuổi quá trẻ.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi L.K.N (nữ, 10 tuổi, ngụ tại Hậu Giang). Theo mẹ bệnh nhân, từ khi sinh ra, bé phát triển bình thường, học giỏi, không có bất thường nào. Khi lên 5 tuổi, bé thỉnh thoảng hay kêu đau đầu. Nghĩ bé đi nắng dẫn đến nhức đầu, nghỉ ngơi là khỏe, gia đình không đưa đi kiểm tra. Trước khi nhập viện, bé đi học bình thường, đột ngột có biểu hiện đau đầu dữ dội và ói.

Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ ở bệnh nhi là xuất huyết não do dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Bác sĩ chỉ định điều trị theo phương pháp can thiệp nội mạch bằng công nghệ DSA.

Theo bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch -Đột quỵ Cần Thơ, đây là trường hợp may mắn được cứu sống và phục hồi sức khỏe tốt do gia đình đưa bé đến bệnh viện sớm. Tuy nhiên, nếu được làm các xét nghiệm tầm soát ngay từ khi khởi phát bệnh với những cơn đau đầu thường xuyên, bé có thể tránh được nhiều nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cũng như ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.

Một trường hợp khác: Bệnh nhân nam (29 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Người nhà cho biết, trước khi nhập viện ít ngày, bệnh nhân xuất hiện các cơn đau đầu dữ dội. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ đi khám, uống thuốc thông thường và không đỡ. Ít ngày sau, bệnh nhân đột ngột bị hôn mê. Khi nhập viện, bệnh nhân được xác định bị đột quỵ do vỡ túi phình khổng lồ trong não to kỷ lục lên tới 5cm (tương đương với một quả chanh). Bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu.

“Nếu bệnh nhân đến sớm ngay khi khởi phát cơn đau đầu, có thể tình trạng sẽ kiểm soát tốt hơn”, bác sĩ Cường cho biết.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca đột quỵ, xuất huyết não. Bệnh nhân không giới hạn độ tuổi, giới tính, tuy nhiên có ghi nhận tình trạng trẻ hóa. Điểm mấu chốt để có thể can thiệp cứu sống bệnh nhân chính là yếu tố tầm soát phát hiện sớm và cấp cứu bệnh nhân trong “giờ vàng” (khoảng 6 tiếng tính từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đột quỵ). Theo bác sĩ Phạm Thanh Phong, kết hợp được hai điều kiện này dù bệnh nhân cao tuổi vẫn có cơ hội được cứu sống.

Đơn cử, bệnh nhân L.V.S (nam, 84 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng yếu nửa người bên phải, lơ mơ. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc nhập viện là 5 giờ 30 phút. Kết quả chụp CTscan não cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền từ vị trí hợp lưu đến đỉnh thân nền. Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp, trong 10 phút đã tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc, hút ra được nhiều huyết khối. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục gần như hoàn toàn.

Bác sĩ Trần Chí Cường lưu ý, bệnh nhân và người nhà cần trang bị kiến thức phân biệt các cơn đau đầu thông thường, đau đầu cảnh bảo đột quỵ. Cụ thể, đau đầu do các nguyên nhân như mất ngủ, căng thẳng, uống rượu bia quá nhiều… chỉ cần nghỉ ngơi sẽ dứt cơn đau. Đau đầu bệnh lý tiềm ẩn đó là đau đầu do rối loạn chức năng của cơ thể như đau đầu migraine, đau đầu do nhiễm trùng (viêm màng não, sốt cao), đau đầu do tăng huyết áp khiến bệnh nhân choáng váng, nôn ói.

Đau đầu migraine là chứng đau đầu nguyên phát, xuất hiện thành đợt. Triệu chứng thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ và có thể trầm trọng hơn. Đau thường ở một bên, kiểu mạch đập, nặng hơn khi gắng sức, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi hôi.

Đau đầu nguy hiểm đó là những cơn đau kéo dài khoảng 10-15 phút hoặc vài giờ khiến người bệnh mất tập trung trong công việc và thường hay cáu gắt, bực bội. Tình trạng đau đầu diễn ra thường xuyên, nhất là khi đi tàu xe đường dài, suy nghĩ nhiều hoặc khi mới ngủ dậy... Bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh có thể là đau đầu do thiếu máu não (hẹp mạch máu não).

Đau đầu do dị dạng mạch máu não thường là cơn đau đầu nặng, bệnh nhân kèm theo hiện tượng sụt mi, choáng váng, có dấu hiệu của bệnh động kinh, co giật toàn thân, đi tiểu không tự chủ nhất là ở trẻ em, người trẻ.

Dấu hiệu đau đầu cảnh báo u não đó là người đau đầu thường đi kèm chóng mặt.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết thêm, ngoài các dấu hiệu đau đầu, bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ thường có triệu chứng gợi ý đột quỵ như: đột ngột xuất hiện méo miệng, liệt hoặc yếu một bên người, nói khó hoặc không nói được. Khi thấy các triệu chứng trên, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để cấp cứu. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định phần lớn khả năng phục hồi của bệnh nhân./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.