Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Căng mình dập lửa, cứu rừng

PV - 09:22, 02/07/2019

Trong những ngày qua tỉnh Hà Tĩnh đã huy động mọi lực lượng và phương tiện khẩn trương khống chế cháy rừng tại huyện Nghi Xuân, bảo đảm an toàn về tính mạng và ổn định cuộc sống người dân. Ðây được xem là vụ cháy rừng lớn nhất ở tỉnh trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong tháng 6, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 60 điểm cháy rừng, trong đó có những đám cháy lớn, diễn ra nhiều lần, thiêu trụi hàng trăm ha rừng.

Lực lượng chức năng vất vả khống chế cháy rừng. Lực lượng chức năng vất vả khống chế cháy rừng.

Căng mình dập lửa, cứu rừng

Sáng 30/6, sau ba ngày căng mình dập lửa, vụ cháy rừng thông trên núi Hồng thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân mới được khống chế. Từ điểm phát cháy ban đầu ở thôn 7, xã Xuân Hồng, ngọn lửa lan rộng sang các khu rừng thuộc tổ dân phố 2 và 3, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân). Dưới nắng nóng gay gắt cộng với gió tây nam thổi mạnh, nên dù đã ba lần khống chế, dập tắt đám cháy, nhưng ngọn lửa từ than nóng ủ sâu trong lớp bì thực vật dày cộm vẫn liên tiếp bùng phát trở lại và lây lan ra diện rộng.

Sau khi đám cháy rừng ở huyện Nghi Xuân được khống chế, tỉnh đã phối hợp Quân khu 4 điều động tất cả lực lượng lên dập lửa ở khu vực rừng thông, keo thuộc xã Sơn Lễ (huyện Hương Sơn). Tại đây, sau khi bùng phát, ngọn lửa lan rộng và uy hiếp khu dân cư chung quanh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Phạm Tiến Hưng, trải qua những ngày đêm vật lộn với lửa, càng thấy rõ tinh thần, trách nhiệm của người dân. Ðã có gần 2.000 lượt người dân từ các xã lân cận đổ về khu vực cháy rừng cùng lực lượng chức năng dập lửa. “Ðây là lần đầu ở Nghi Xuân xảy ra đám cháy trên diện rộng. Khu vực cháy là đồi thông hơn 30 năm tuổi cho nên việc dập lửa rất khó khăn”.

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Công Tố cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xuất hiện 69 điểm phát lửa ở hầu khắp các huyện, thị xã trên địa bàn. Riêng tháng 6 có 60 điểm phát lửa. Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện tại, rừng thông nhiều năm tuổi có thân gỗ mục và lớp thực bì dày dẫn đến nguy cơ ngọn lửa bùng phát trở lại rất cao. Ngay trong tối 29/6, một vụ cháy rừng lớn tiếp tục xảy ra tại tiểu khu 324, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, thiêu cháy hàng chục ha rừng. Tính từ ngày 27-29/6, toàn tỉnh có 12 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 100 ha rừng các loại.

Khẩn cấp di dời dân

Ông Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cho biết, ngay trong ngày đầu cháy rừng, huyện đã di dời gần 100 hộ dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn. Trong khu vực bị ảnh hưởng có 3 cửa hàng xăng dầu, chính quyền đã phối hợp chủ các cửa hàng lên phương án bảo vệ, di dời khẩn cấp.

Còn Thượng tá Hoàng Anh Tú (Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh) thông tin, sau khi đám cháy ở huyện Nghi Xuân được khống chế, chúng tôi tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ hành quân ngay đến huyện Hương Sơn tiếp sức cho lực lượng chữa cháy ở đó. Trong 3 ngày vật lộn với lửa ở Nghi Xuân, nhiều đồng chí chỉ chợp mắt được vài giờ đồng hồ. Ðể tận dụng thời gian, các cán bộ, chiến sĩ được tổ chức ăn trưa tại chỗ, nghỉ ngơi ít phút trên xe, trước khi bắt tay dập lửa ở khu vực rừng thông, lim, keo thuộc xã Sơn Lễ (Hương Sơn).

Với sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của chính quyền địa phương và các lực lượng tham gia, đến 15 giờ 30 phút ngày 30/6 đám cháy rừng ở Sơn Lễ được khống chế. Khu vực này có khoảng 85 hộ dân sinh sống sát bìa rừng. Trong quá trình dập lửa, chính quyền địa phương đã hỗ trợ một số người dân di dời tài sản đến nơi an toàn, lên phương án sẵn sàng di dời các hộ còn lại ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng cao.

“Việc khống chế các đám cháy rừng chỉ là bước đầu. Nguy cơ bùng cháy các điểm cháy trở lại vẫn rất lớn. Vì vậy, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh luôn đề cao cảnh giác và sẵn sàng ứng phó”, ông Đặng Ngọc Sơn Phó Chủ tịch cho hay.

Chiều 30/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến hiện trường vụ cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chỉ đạo việc chữa cháy rừng, động viên, thăm hỏi các lực lượng chữa cháy và người dân. Phó Thủ tướng cũng biểu dương nhà hàng Minh Hồng (TP. Vinh, Nghệ An) đã mang 1.000 suất ăn sang phục vụ miễn phí lực lượng tham gia chữa cháy cứu rừng trên núi Hồng Lĩnh.

(vov.vn)

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.