Mặc dù ở khu vực miền núi, vùng giáp biên, tỷ lệ thanh niên DTTS tiếp cận với internet, mạng xã hội có thấp hơn so với các khu vực khác, nhưng đây lại chính là đối tượng có “sức đề kháng yếu” và dễ bị “tổn thương” nhất. Vì vậy, với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” được phát động trong tháng hành động vì trẻ em (1/6-30/6), nhiều nội dung liên quan đến chủ đề này đã được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Thanh niên, trẻ em vùng DTTS là đối tượng dễ bị tổn thương nhấtÔng Lê Duy Hưng Thịnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo-Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tỷ lệ người trẻ sử dụng điện thoại và thiết bị kết nối internet chiếm khoảng 69,9%, trong đó, 90% giới trẻ đô thị có ít nhất một tài khoản mạng xã hội; dù ở khu vực miền núi, vùng giáp biên, tỷ lệ thanh niên DTTS được tiếp cận với internet, mạng xã hội có thấp hơn so với các khu vực khác, nhưng đây lại chính là đối tượng và khu vực có “sức đề kháng yếu” và dễ bị “tổn thương” nhất. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Dễ nhận thấy nhất không chỉ ở khu vực thành thị, các quán internet ở các thôn, bản vùng đồng bào DTTS cũng có rất đông trẻ em trong độ tuổi đến trường. Hầu như các em đều thuê và sử dụng máy tính cho mục đích chơi game online, vào facebook, xem phim bạo lực…. Để có tiền chơi game, nhiều em đã lấy trộm tiền của cha mẹ, trộm bắp, sắn, cà phê, cao su… trong nhà đem đi bán, lấy tiền chơi game. Khi có tiền, có em nạp hàng trăm nghìn đồng vào tài khoản máy tính trong khi gia đình mình lại thuộc diện hoàn cảnh khó khăn.
Trên môi trường internet, nhiều trẻ em đã quen biết và trở nên thân thiết với nhau. Tuy nhiên, đằng sau những giá trị tích cực ấy, môi trường mạng đang tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em, như: những thông tin bạo lực, tình dục... không phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Thậm chí, nhiều trẻ em đã mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone... Điều này làm gia tăng bệnh lý tăng động, mất tập trung, tự kỷ, chậm giao tiếp… ở trẻ.
“Chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì những tổn thương, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật. Đã có nhiều vụ bắt cóc, xâm hại trẻ em xảy ra bắt nguồn từ việc phụ huynh đăng tải thông tin, hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội đã vô tình cung cấp thông tin để các đối tượng xấu có thể hãm hại trẻ”, Cục trưởng Cục Trẻ em, Đặng Hoa Nam (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ.
Cha mẹ cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho chính mình và trẻ emTại Hội trường Quốc hội ngày 29/5, khi thảo luận về dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã dành toàn bộ thời gian để phát biểu về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Theo lời đại biểu Cảnh: “Nếu chúng ta không kiểm soát được việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ em thì không khác gì chúng ta để con em chúng ta đi bụi đời trên mạng xã hội và sẽ có một cuộc sống ảo lệch lạc. Chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em mà không ít trong số đó sẽ có lối sống trái với chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
“Cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số. Đồng thời cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet”, ông Đặng Hoa Nam nhận định.
Để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của các em, công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các thành viên trong gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ và ngay cả đối với chính các em là hết sức quan trọng. Vì trẻ em, mỗi cá nhân hãy cùng nhau hành động lan tỏa những việc làm tốt bằng chính trái tim yêu thương của mình...
NGỌC TUẤN