Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách giảm nghèo

PV - 21:16, 19/12/2018

“Tỷ lệ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam) giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016, đồng nghĩa với việc khoảng gần 6 triệu người đã thoát nghèo”. Đây là một trong những nội dung vừa công bố tại Hội thảo công bố Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam: “Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng tham dự Hội thảo.

chính sách giảm nghèo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Năm 2015, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm.

Theo Báo cáo, tỉ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm đáng kế từ 15,9% (năm 2012) xuống còn 9,1% (năm 2016), khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững “giảm nghèo ở mọi chiều cạnh và ở mọi nơi”. Tỉ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh, từ 49,2% (năm 1992) xuống còn 2% (năm 2016).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá, tiến bộ của Việt Nam đạt được trong giảm nghèo là “thành công ở tầm thế giới”, nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản và các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống. Mặc dù vậy, nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào DTTS sinh sống. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm DTTS cao hơn nhiều (dân tộc Mông là 76,2%, Dao 37,5%...). Khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục…giữa dân tộc Kinh và các DTTS ngày càng gia tăng trong giai đoạn  2012-2016.

Để có thể giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc, bà Caitlin Wiesen cho rằng, ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào DTTS cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp...

 

chính sách giảm nghèo Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đánh giá rất cao việc tổ chức Hội thảo và các kết quả nghiên cứu của Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam. Đây là bản báo cáo cung cấp thông tin toàn cảnh về nghèo đa chiều, với sự đánh giá mang tính độc lập, khách quan, giúp các cơ quan của Việt Nam trong bối cảnh đổi mới chính sách giảm nghèo trong thời gian tới. Chia sẻ về nội dung Ủy ban Dân tộc đang chuẩn bị hội thảo quốc gia và hội nghị toàn quốc về đánh giá chính sách dân tộc, trong đó có chính sách giảm nghèo trong thời gian qua và đề xuất các ý tưởng chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030; Báo cáo sẽ góp phần cung cấp thông tin, sáng kiến, giải pháp quan trọng để hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với đồng bào DTTS như: tỉ lệ hộ nghèo cao, sự chênh lệch về thu nhập, mức sống, khoảng cách phát triển giữa một số vùng miền.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho biết: những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trong trong giảm nghèo vùng DTTS, tuy nhiên thực tế, vùng DTTS vẫn còn rất khó khăn, đặt ra nhiều vấn đề thách thức cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, đưa ra những giải pháp đổi mới chính sách giảm nghèo trong thời gian tới.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.