Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững

PV - 09:31, 18/09/2018

Nhiều vấn đề liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững đã được thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/9. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải tham dự phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018) của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, cho thấy: Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%. Kết quả giảm nghèo trong 2 năm (2016-2017) đạt mục tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ quy định. Việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống…

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc để vận hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, một số chủ trương, định hướng chính sách của Nghị quyết 76 chưa được thực hiện có hiệu quả. Vì vậy Ủy ban Các vấn đề Xã hội đề nghị, thời gian tới cần bố trí đủ kinh phí thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục quan tâm các dự án luật có liên quan đến chính sách giảm nghèo để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đề cao công tác đánh giá tác động để khắc phục tình trạng ban hành chính sách không có ngân sách. Xem xét, quyết định tổ chức giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 76 vào năm 2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần bám sát Nghị quyết 76 để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng chính sách giảm nghèo bền vững, đặc biệt là chính sách hỗ trợ có điều kiện; sơ kết, đánh giá để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong 2 năm cuối. Bên cạnh đó, hoàn thành việc rà soát, tích hợp chính sách, giảm đầu mối văn bản. Rà soát, tính toán khả năng nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành nhưng chưa được bố trí kinh phí, đặc biệt là các chính sách đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất với kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo. Đồng thời các đại biểu cũng phân tích, chỉ rõ với những hạn chế, bất cập trong công tác giảm nghèo theo báo cáo đã nêu. Nhiều đại biểu cho rằng, cần rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giảm nghèo; chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng nghèo để có hướng giải quyết hiệu quả. Bảo đảm bố trí đủ nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với người có công, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Quan tâm chú trọng chính sách giáo dục, đào tạo nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển rừng….

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Quốc hội chưa bao giờ cắt giảm ngân sách đối với công tác giảm nghèo. Cần nhìn nhận thực tế, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tiến độ giảm nghèo chậm, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao, không hợp lý giữa các vùng miền. Cần chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng tái nghèo cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp chính quyền trong công tác giảm nghèo. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và các cấp chính quyền, người dân, không thể trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của Nhà nước mà phải tự lực vươn lên. Phải nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả. Các cấp chính quyền, địa phương cần nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo của địa phương mình để tìm ra giải pháp phù hợp… Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.