Anh Nguyễn Trọng Tấn, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết: Hơn 1 năm nay anh chưa mua bảo hiểm cho xe cơ giới, cũng chẳng ngó ngàng tới xem bảo hiểm cũ đã hết hạn hay chưa. Gần đây, khi biết thông tin có đợt ra quân tổng kiểm tra phương tiện tham gia giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông có thể dừng bất kỳ xe nào để kiểm tra hành chính nên anh Tấn phải đi mua cho đầy đủ.
Tuy nhiên, anh Tấn cũng như rất nhiều người dân đang tìm mua bảo hiểm tỏ ra hoang mang, bối rối, bởi hiện nay có rất nhiều “đại lý” bảo hiểm xe máy đang rao bán tràn lan các loại bảo hiểm, từ vỉa hè cho đến trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử, với nhiều loại giá khác nhau: 65 nghìn đồng, 40 nghìn đồng, thậm chí chỉ 20 nghìn đồng.
Còn đối với anh Đặng Đức Long (Quảng Ninh), vấn đề thụ hưởng các quyền lợi từ bảo hiểm chưa thực sự khiến anh quan tâm. “Tôi mua để đi ra đường khỏi bị kiểm tra thôi. Bây giờ bắt mua bảo hiểm thì nhiều người phải chấp hành, thật ra nhiều người nói đến quyền lợi với các thủ tục để được đền bù thiệt hại thì lâu lắm”, anh Long chia sẻ.
Có thể thấy, tình trạng người đi xe máy ít quan tâm đến các loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi tham gia giao thông, trách nhiệm chủ quan thuộc về người dân, nhưng một phần do cơ quan quản lý lâu nay thiếu hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết, quyền lợi của bảo hiểm và đồng thuận với quy định phải mua bảo hiểm bắt buộc. Về phía chủ xe máy, do số tiền bỏ ra không quá lớn nên họ mua xong bỏ ví, mà không chủ động tìm hiểu dẫn đến bị mất quyền lợi…
Theo thống kê của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (QLGSBH), Bộ Tài chính, số lượng xe cơ giới cả nước hiện lên đến 110,3 triệu xe, trong đó khoảng 93,5 triệu xe máy. Sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, ngành Bảo hiểm đã bồi thường hơn 101 nghìn vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ. Dù đã triển khai 10 năm, nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy chỉ đạt 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy. Điều này cho thấy, việc mua bảo hiểm của người dân còn thấp, công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục QLGSBH nhận định: Thủ tục bồi thường bảo hiểm đối với xe máy hiện đang có rất nhiều vấn đề nên người dân mới phản ánh và chưa mặn mà với việc mua sản phẩm này. Nếu việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm được thuận lợi và chất lượng cùng nội dung rõ ràng, người dân sẽ không ngần ngại khi mua bảo hiểm.
Trước tình trạng bán bảo hiểm tràn lan ở vỉa hè, Cục QLGSBH khẳng định, sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát các loại hình bán bảo hiểm này. Đặc biệt, là kiểm tra chế độ tài chính, xem có đúng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm hay không.