Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần có giải pháp thiết thực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS Việt Nam

PV - 22:25, 14/12/2018

Nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời gợi mở, xây dựng chính sách mới, ngày 14/12/2018, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS Việt Nam”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá tác động của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân gian DTTS. Đánh giá công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân gian DTTS hiện nay. Trên cơ sở phân tích thực trạng dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân gian DTTS, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian các DTTS, như: chỉnh sửa, bổ sung Luật Di sản văn hóa, tăng cường các thể chế về quản lý di sản văn hóa phi vật thể; vai trò của cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng trong thực hành truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa; bồi dưỡng, tập huấn cán bộ văn hóa địa phương…

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và địa phương tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu, bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian các DTTS nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn, do chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu nguồn lực để thực hiện. Thời gian tới, căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tác động, hỗ trợ vào 3 nhóm nội dung chính: Hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy, phát huy giá trị dân gian các DTTS; hỗ trợ khai thác giá trị dân gian các DTTS để phát triển du lịch, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ tổ chức các lễ hội, hội diễn, giao lưu, tọa đàm, kết nối, hội tụ, lan tỏa văn hóa dân gian, tăng cường sự gắn bó “keo sơn” giữa các DTTS với dân tộc đa số, giữa DTTS với nhau, giữa các vùng, miền trong cả nước, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: văn hóa dân gian các DTTS không tự dưng mà có mà là quá trình tích lũy qua bao đời, thấm đẫm mồ hôi, công sức của bao thế hệ. Do vậy, rất cần được đầu tư thỏa đáng ngang với giá trị vốn có của di sản này để lưu truyền, phát huy, trường tồn cùng với văn hóa dân tộc Việt. Điều đó phải xuất phát tự thân của người dân tộc, có sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước và xã hội.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo và cho rằng Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; chăm lo đời sống, vật chất tinh thần của đồng bào DTTS. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thống nhất với các đánh giá của nhiều đại biểu và cho rằng, đó là những ý kiến xác đáng, tư liệu quý cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách trong hoạt động của Quốc hội, điều hành của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đối với các DTTS, trong đó có chính sách bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân gian, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS cho phù hợp. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa đầu tư cho văn hóa, trong đó có bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy, chú ý coi trọng các chính sách, chế độ khuyến khích đối với các nghệ nhân…Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, tới đây sẽ có nghị quyết của Quốc hội về chính sách dân tộc, cho nên nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS là một vấn đề được đề cập trong nghị quyết.

HUYỀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.