Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cán bộ trẻ - Nhìn từ Vầy Nưa

PV - 12:02, 29/01/2019

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, tiềm năng trí tuệ của cán bộ trẻ. Người căn dặn: “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ... Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”. Đây chính là “kim chỉ nam” trong công tác cán bộ của nước ta.

Những “làn gió mới”

Xóm Bãi Lau, xã Vầy Nưa (Đà Bắc, Hòa Bình) có 33 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao, có 14 hộ nghèo. Trước Tết Nguyên đán 2018 chừng vài tháng, xóm Bãi Lau tan hoàng do mưa lũ; nhiều hộ dân mất nhà cửa, phải sống trong những lều bạt dã chiến do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của huyện trong việc khẩn trương tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho 33 hộ dân, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ vừa mừng vừa lo. Là Chủ tịch xã thuộc diện trẻ nhất của huyện Đà Bắc (sinh năm 1981, được bầu làm Chủ tịch xã năm 2016), anh Kỳ mừng vì có dự án TĐC thì bà con sẽ bớt khổ; nhưng lo vì đây là công việc rất phức tạp, mới mẻ. Bởi khi bố trí nơi ở mới cho bà con phải bảo đảm an toàn, bền vững, vừa không xa nơi ở cũ, lại gần với nơi sản xuất; khi đã chuyển ra khu TĐC là phải chuyển cả xóm để không xáo trộn cuộc sống, phong tục tập quán.

Cán bộ trẻ huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn thường xuyên bám sát cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Cán bộ trẻ huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn thường xuyên bám sát cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân.

Yêu cầu xây dựng khu TĐC gấp gáp, với vai trò là người đứng đầu chính quyền cơ sở, anh Kỳ phải nhanh chóng đưa ra quyết định. Sau khi khảo sát, thống nhất với huyện Đà Bắc, lãnh đạo xã Vầy Nưa đã quyết định chọn 4ha ở khu vực đồi Lim, xóm Bãi Lau làm điểm xây dựng.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và kiến thức cơ bản tích lũy được, từ thời điểm khởi công xây dựng khu TĐC (đầu năm 2018), Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ thường xuyên túc trực động viên, đốc thúc đơn vị thi công. Nhiều lần, anh Kỳ ăn ở cùng công nhân và người dân để nắm bắt các thông tin, kịp thời điều hành xây dựng khu TĐC.

Nhờ đó, giữa năm 2018, khu TĐC Bãi Lau đã hoàn thành cơ bản các hạng mục thiết yếu, đón 33 hộ dân về định cư; những hạng mục phụ đang dần được hoàn thiện để phục vụ bà con đón Tết Kỷ Hợi 2019.

Chủ tịch UBND Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ là một trong rất nhiều cán bộ trẻ tuổi trên cả nước. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý dưới 40 tuổi công tác ở ban, bộ, ngành Trung ương là 6,22%; ở cấp tỉnh là 6,41%; cấp huyện dưới 35 tuổi là 6,5%; cấp xã là 13%.

Với sự năng động của tuổi trẻ cùng với năng lực, trình độ đã được chuẩn hóa, những cán bộ trẻ như Chủ tịch xã Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ, đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-chính trị, trật tự xã hội ở địa phương, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Trẻ hóa cán bộ-yêu cầu tất yếu

Việc “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ là một yêu cầu tất yếu, đã được các cấp ngành, địa phương tích cực triển khai từ nhiều năm nay. Những yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở những yêu cầu mới cả về năng lực, trình độ cũng như tâm huyết sức trẻ.

Như chia sẻ của bà Bàn Kim Quy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đà Bắc (Hòa Bình), việc “trẻ hóa” cán bộ ở huyện Đà Bắc thời gian qua, đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Do đó, Đà Bắc xác định, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định, then chốt trong công tác cán bộ.

Thông tin từ Ban Tổ chức Trung ương cho thấy, sau 20 năm (1997-2017) thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn. Tỷ lệ cấp ủy viên trẻ (dưới 40 tuổi) của các tỉnh, thành phố trong cả nước nhiệm kỳ 2015-2020 cao hơn khóa trước gần 2,54%, trong đó có 18 Ủy viên Thường vụ, 1 Phó Bí thư và 2 Bí thư.

Ngay trong tháng 10/2018, tỉnh Nghệ An đã có Chủ tịch UBND tỉnh trẻ tuổi nhất cả nước, là ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ở tuổi 42.

Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ cán bộ, công chức trẻ cao, như Bộ Tư pháp: 23,3%; Bộ Tài chính: 21%; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 20,5%; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 17,7%, Bộ Công thương: 16,6%; tỉnh Đăk Nông: 23,3%; tỉnh Vĩnh Phúc: 22,2%; tỉnh Sơn La: 22,1%...

Tại nhiều địa phương và bộ, ngành đã xuất hiện những cán bộ lãnh đạo tuổi còn rất trẻ nhưng năng động quyết đoán, nói đi đôi với làm, xông xáo, đột phá; giải quyết hiệu quả những việc khó, những “vấn đề nóng”, “điểm nóng”, “nhạy cảm” tại địa phương, đơn vị.

MINH THU