Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cải cách tiền lương: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

PV - 14:49, 19/07/2019

Cải cách tiền lương là một trong những nhiệm vụ quan trọng nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính. Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở được tăng lên 1.490.000 đồng thay cho mức lương cũ hiện nay là 1.390.000 đồng/tháng. Việc cải cách tiền lương đã góp phần nâng cao mức sống, tác động lớn đến đời sống người lao động ở nước ta, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vùng DTTS, miền núi.

Cải cách tiền lương sẽ tạo thêm động lực cho cán bộ vùng khó khăn yên tâm công tác. (Trong ảnh: Cán bộ cơ sở vùng DTTS, miền núi đi thực địa tại địa phương) Cải cách tiền lương sẽ tạo thêm động lực cho cán bộ vùng khó khăn yên tâm công tác. (Trong ảnh: Cán bộ cơ sở vùng DTTS, miền núi đi thực địa tại địa phương)

Vui mừng nhận tháng lương đầu tiên theo mức lương mới áp dụng từ 1/7, bà Nguyễn Thị Hà, cán bộ hưu trí xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Theo mức lương mới, tôi được tăng gần 300 ngàn đồng so với lương cũ. Số tiền tăng tuy không lớn nhưng cũng rất đáng kể so với mức chi tiêu ở nông thôn”.

Còn chị Phạm Thúy Mùi, công tác tại UBND huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, “chính sách cải cách tiền lương đã tạo thêm động lực để chúng tôi yên tâm công tác tại vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn”.

Có thể thấy, chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003). Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương... Từ năm 2003 đến trước thời điểm 1/7/2019, nước ta đã 12 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng. Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở tăng lên 1.490.000 thay cho mức lương cũ hiện nay là 1.390.000 đồng/tháng. Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của 8 nhóm đối tượng sau tăng thêm 7,19%.

Việc tăng lương đã tác động rất lớn đến đời sống của người lao động, tạo động lực, tâm lý tin tưởng để họ yên tâm công tác và cống hiến. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại vùng khó khăn, ngoài chính sách cải cách tiền lương chung, cần có chính sách riêng nhằm thu hút cán bộ công tác tại vùng khó khăn.

Ông Tống Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đã từng có ý kiến cho rằng, thực trạng giáo viên giỏi, y bác sĩ công tác tại các tỉnh miền núi tự ý bỏ việc thời gian qua khá phổ biến, vì vậy cần có chính sách riêng để đảm bảo thu hút người có trình độ về các vùng DTTS.

Tháng 6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định.

Từ nay đến hết năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ bản mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 2021 trở đi sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương mà nội hàm bao gồm, trong khu vực hành chính nhà nước (trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo), trong khu vực doanh nghiệp thì thực hiện ngang bằng nhau với khối doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước.

Với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong cải cách tiền lương, sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới, góp phần xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước; nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…n

THANH HUYỀN