Chuẩn bị chu đáo và không bị động
Tại tỉnh Lào Cai, từ ngày 5/10 đến hết ngày 7/10, đã có khoảng 500 người dân trở về địa phương từ các tỉnh phía Nam. Các trường hợp này, sau khi đến chốt giáp ranh với tỉnh Yên Bái, đều được test nhanh và người dân ở thành phố, huyện, thị xã nào, thì đưa về cách ly ở đó. Tại các khu cách ly, điều kiện sinh hoạt cho người dân được bảo đảm, để bà con yên tâm thực hiện cách ly theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản chỉ đạo, tất cả công dân từ các tỉnh, thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các vùng dịch khác về tới Lào Cai, đều phải cách ly tập trung 14 ngày. Việc kiểm soát, tiếp nhận, cách ly công dân trở về từ vùng dịch yêu cầu phải kịp thời, chu đáo và không bị động. Hiện tại, hệ thống chốt kiểm dịch đặt ở các cửa ngõ vào tỉnh Lào Cai, bao gồm cả chốt chặn tại đường mòn, lối mở giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, duy trì hoạt động 24/24h để kiểm soát, sàng lọc, phân loại người về/đến.
Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Lào Cai cho biết, qua rà soát cho thấy, hiện vẫn còn khoảng gần 14.000 người lao động chưa trở về địa phương. Tuy nhiên, con số thực tế có thể sẽ lớn hơn, vì đây chỉ là số lao động chính thức có hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp.
Ngành LĐTB&XH tỉnh cũng nắm được hiện có khoảng 500 người già, phụ nữ mang thai, thất nghiệp có nhu cầu trở về địa phương. Sở đang báo cáo tỉnh để xem xét, có phương án ưu tiên tiếp nhận. Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Nam tuyên truyền, vận động người lao động ở lại, vừa để dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, vừa đáp ứng, tránh thiếu hụt nguồn cung lao động cho các nhà máy đã bắt đầu khôi phục sản xuất.
"Thực tế cho thấy, các địa phương phía Nam cũng đều mong muốn các lao động ở lại, trên quan điểm là quan tâm vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ lao động gặp khó khăn. Như TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ đợt 3 với mức cao hơn, trả thẳng vào tài khoản của người được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân yên tâm ở lại…”, ông Thơ chia sẻ.
Kết nối phương tiện để người dân hồi hương an toàn
Tại tỉnh Yên Bái, tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, để tổ chức cách ly cho các công dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Trong ngày 7/10, Yên Bái đã tiếp nhận 104 người mới về từ tỉnh Bình Dương và 2 người về từ TP. Hồ Chí Minh, nâng tổng số người về từ các tỉnh phía Nam lên 624 trường hợp.
Theo kế hoạch, vào trung tuần tháng 10, Yên Bái sẽ bắt đầu tổ chức đón công dân trở về bằng đường hàng không; dự kiến sẽ bố trí 2 - 3 đợt. Trong đó, đợt đầu tiên sẽ đón khoảng 500 người theo các nhóm ưu tiên. Cụ thể, nhóm 1 gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân, người đi công tác chưa trở về được; những người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng. Nhóm 2 là những lao động tự do, người lao động bị mất việc làm có nguyện vọng, đăng ký trở về địa phương. Nhóm 3 là học sinh, sinh viên và các đối tượng khác.
Tỉnh Yên Bái đã ký kết với hãng hàng không VietJet trong việc vận chuyển người dân về địa phương. Địa điểm tập kết đón tại cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Địa phương cũng đã có công văn gửi các tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho công dân được xét nghiệm, tiêm phòng Covid-19, tạo thuận lợi trong việc di chuyển của công dân đến địa điểm tập kết đón; Mở trang thông tin điện tử tiếp nhận đăng ký công dân có nguyện vọng về địa phương.
"Hiện đã có hơn 1.000 công dân của tỉnh Yên Bái đăng ký và có nguyện vọng sớm được về địa phương. Những công dân của Yên Bái có hoàn cảnh khó khăn chưa được trở về địa phương, sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí sinh hoạt trong thời gian chờ đón”, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết.
Tại tỉnh Lai Châu, ngày 7/10, tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Than Uyên đã tiếp nhận và triển khai các biện pháp phòng chống dịch đối với 67 công dân của tỉnh Lai Châu từ tỉnh Bình Dương trở về. Số công dân trên chủ yếu có hộ khẩu thường trú tại các huyện: Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, làm công nhân doanh nghiệp và người lao động tự do trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong ngày 8/10, huyện Than Uyên tiếp nhận thêm khoảng 80 công dân trở về từ Bình Dương.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 huyện Than Uyên đã bố trí lực lượng chức năng đón công dân tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện để kiểm tra theo quy định. Sau đó, đưa người dân về các khu cách ly trên địa bàn huyện.
Nhu cầu trở về địa phương của người dân là chính đáng, tuy nhiên, hiện nay bà con đang trở về theo cách tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình di chuyển, cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế này, đòi hỏi các địa phương cần tích cực và chủ động hơn nữa, triển khai các phương án đưa đón người dân bảo đảm an toàn, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch.