Tại Nghệ An: Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống thiên tai cứu hộ cứu nạn Nghệ An, sáng ngày 19/7, mặc dù bão đổ bộ và gây gió mạnh cấp 6, 7 trên địa bàn, nhưng rất may chỉ có 1 ngư dân trên địa bàn xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu bị thương nặng trong quá trình neo đậu tàu thuyền và đã được Quân y Đồn Biên phòng Diễn Thành sơ cứu ban đầu để chuyển lên tuyến trên.
Theo tổng hợp đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 12.500ha diện tích lúa, hoa màu và 150 ngôi nhà bị ngập. Các địa phương phải di dời một số hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tất cả tàu thuyền đã được các địa phương kêu gọi vào cập bến, neo đậu an toàn. Các địa phương đã cắt cử lực lượng túc trực khu vực ngập lũ và sạt lở, huy động hệ thống máy bơm để nỗ lực cứu lúa và hoa màu… “Do công tác chuẩn bị và phòng tránh tương đối tốt, chủ động nên thiệt hại nói chung không lớn”, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết.
Tại Hà Tĩnh: Mặc dù không nằm trong vùng tâm bão nhưng trên địa bàn đã xảy ra mưa to, gây ngập lụt cho 600 hộ dân và chia cắt cục bộ nhiều địa phương. Đã có 2 người trên địa bàn huyện Hương Sơn bị tử vong do nước cuốn trôi khi đi bắt cá. Thống kê mới nhất từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của mưa lớn trên địa bàn tỉnh xảy ra ngập cục bộ, làm 7.851ha lúa, rau màu các loại bị ngập. Tuyến Quốc lộ 8A đi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bị sạt lở, gây ách tắc cục bộ tại 5 địa điểm trên tuyến Quốc lộ này.
Cũng tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào khoảng 19 giờ ngày 18/7 đã xuất hiện mưa to, gió lốc, làm tốc mái của 13 hộ dân tại xóm 2 của xã này. Chính quyền địa phương đã cùng với nhân dân khẩn trương khắc phục bằng cách lợp lại ngói, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Tại Thanh Hóa: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn do nước lũ dâng cao. Nhiều đập tràn, cầu treo bị nhấn chìm, cuốn trôi khiến giao thông bị tê liệt, nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm do nước lũ.
Tại huyện Lang Chánh, vào lúc nửa đêm 19/7, ở khu vực làng Hắc, xã Trí Nang xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến 2 người chết, 2 người đang mất tích và 3 người bị thương nặng, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh. Ông Lữ Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lũ, 45 hộ dân với 185 nhân khẩu ở các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện đã phải di dời. Hiện tại, các tuyến tỉnh lộ 530, 530B đang có nhiều đoạn bị sạt lở nặng khiến giao thông bị chia cắt. Huyện đang huy động các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả đợt thiên tai này.
Tại huyện Quan Sơn, do mưa lớn kéo dài, từ chiều ngày 18/7 nước lũ dâng cao trên các con sông chảy qua địa bàn huyện, khiến 8 bản thuộc 6 xã: Trung Xuân, Sơn Điện, Tam Lư, Trung Tiến, Na Mèo, Sơn Hà bị cô lập hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu, gồm: 3ha lúa, 5 cầu treo tạm bị nước cuốn trôi, 2 trường học và 2 điểm trường bị sạt lở. Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết: Hiện có 500 hộ dân thuộc 3 bản Sa Ná, bản Son, bản Ché Lầu trong xã bị cô lập. Hơn 1ha lúa cũng đã bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn. Nhiều cán bộ xã đã được phân công xuống các bản cắm chốt, đồng thời tuyên truyền cho người dân không được qua sông khi nước lũ đang tiếp tục lên cao để đảm bảo an toàn.
Còn tại các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Thắng, Xuân Lộc, Luận Khê... ở huyện Thường Xuân, hiện vẫn đang bị chia cắt và cô lập. Riêng tại xã Luận Khê, do cầu tràn dẫn vào xã bị lũ dâng cao hơn 3,5m nên đến thời điểm này vẫn đang bị cô lập hoàn toàn. Do nước chưa rút nên chưa thể thống kê được mức thiệt hại cụ thể.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục ngay hậu quả của bão số 3. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa sau hoàn lưu bão, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi; kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
NHÓM PHÓNG VIÊN TT