Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Các nhà đầu tư có thể trực tiếp gửi thư tới Thủ tướng nếu gặp khó khăn, vướng mắc"

PV - 21:29, 23/11/2021

Tiếp lãnh đạo một số doanh nghiêp, tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi các nhà đầu tư gặp vướng mắc, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu không giải quyết được thì các nhà đầu tư có thể trực tiếp gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Tsutomu Sugimori, Chủ tịch Tập đoàn ENEOS - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Tsutomu Sugimori, Chủ tịch Tập đoàn ENEOS - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều tối ngày 23/11 (theo giờ địa phương), tại Tokyo, tiếp tục chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.

Các lãnh đạo doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới, khẳng định các trao đổi của Thủ tướng giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và yên tâm hơn nữa trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp đã có đóng góp, hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch, sát cánh cùng Việt Nam vượt qua các khó khăn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư trong thời gian vừa qua khi Việt Nam phải tiến hành các biện pháp hành chính để phòng, chống dịch.

Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng nêu rõ các lĩnh vực có nhiều tiềm năng đang được Việt Nam ưu tiên và khuyến khích như năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực…

Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng đề nghị nếu gặp các khó khăn, vướng mắc, các doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ với các Bộ trưởng để xem xét giải quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp. “Vướng mắc ở cấp nào thì ở cấp đó phải giải quyết, nếu không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tsutomu Sugimori, Chủ tịch Tập đoàn ENEOS - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tsutomu Sugimori, Chủ tịch Tập đoàn ENEOS - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Tsutomu Sugimori, Chủ tịch Tập đoàn ENEOS cho biết ENEOS là một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất Nhật Bản về lọc dầu và kinh doanh dầu nguyên liệu, chiếm đến 50% sản lượng tại Nhật và là nhà sản xuất dầu nhớt có quy mô hàng đầu thế giới, tổng doanh thu hằng năm đạt khoảng 70 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Tập đoàn bắt đầu có mặt từ năm 1990. Năm 2016, Tập đoàn đã quyết định đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và đang mở rộng chuỗi cung ứng, mạng lưới cửa hàng xăng dầu, hợp tác phát triển năng lượng mới… Lãnh đạo ENEOS quan tâm định hướng phát triển năng lượng tại Việt Nam và mong muốn tham gia quá trình giảm thải khí carbon; khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan tới các dự án tại Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ ủng hộ các đề xuất của Tập đoàn, nhất là mong muốn tham gia phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam và giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với định hướng đa dạng hóa các nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đối với nguồn năng lượng hóa thạch, có lộ trình chủ động tích cực giảm theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, phát triển mạnh nhiệt điện khí; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thủ tướng hoan nghênh ENEOS nghiên cứu và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện lộ trình giảm thải khí carbon trong thời gian tới.

Thủ tướng tiếp ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn AEON - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tiếp ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn AEON - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc gặp Thủ tướng, ông Motoya Okada, Chủ tịch Tập đoàn AEON cho biết Tập đoàn là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 75 tỷ USD.

AEON bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD. Tập đoàn đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Tập đoàn dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc… sang Nhật Bản. Tập đoàn cũng quan tâm tới các hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của Tập đoàn trong thời gian qua; khẳng định các cơ quan chức năng ủng hộ mục tiêu của Tập đoàn mở rộng kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam. Thị trường bán lẻ Việt Nam hết sức tiềm năng, AEON có thể mở rộng hệ thống kinh doanh đồng thời với việc thu mua các loại hàng hóa tại nhiều địa phương khắp Bắc, Trung, Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, ĐBSCL…

Thủ tướng cũng đánh giá cao kế hoạch của Tập đoàn trong việc thúc đẩy sản xuất nội địa và xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật Bản và thị trường quốc tế. Đây là kế hoạch rất phù hợp và đúng thời điểm khi các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do. Thủ tướng mong muốn các hoạt động của Tập đoàn sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị của hệ thống bán lẻ Việt Nam.

Thủ tướng tiếp lãnh đạo Fast Retailing - một trong những tập đoàn bán lẻ đa quốc gia lớn nhất của Nhật Bản và thế giới, sở hữu nhãn hiệu thời trang Uniqlo, doanh thu năm 2020 đạt khoảng 20 tỷ USD. Bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2018, Uniqlo hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam và thế giới, qua đó đưa Việt Nam thành cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của Tập đoàn. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện của Việt Nam.

Ông Tadashi Yanai, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và kế hoạch mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử.

Ghi nhận ý kiến của Tập đoàn về nguồn nhân lực, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn có chiến lược, kế hoạch dài hạn để đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất; đóng góp vào quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để Tập đoàn phát triển bền vững, lâu dài, ổn định tại Việt Nam.

Thủ tướng tiếp ông Masumi Kakinoki, Chủ tịch Tập đoàn Marubeni - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tiếp ông Masumi Kakinoki, Chủ tịch Tập đoàn Marubeni - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Masumi Kakinoki, Chủ tịch Tập đoàn Marubeni bày tỏ quan tâm tới việc triển khai một số dự án điện, tham gia phát triển hạ tầng tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh…; thông báo kế hoạch triển khai các nhà máy sản xuất, chế biến giấy, cà phê… tại Việt Nam.

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những hoạt động tích cực, hiệu quả của Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực; hoan nghênh các dự án đầu tư mới của Tập đoàn. Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những tác động không mong muốn, đại dịch cũng là một chất xúc tác để triển khai các dự án; đề nghị Tập đoàn triển khai nhanh chóng, dứt điểm các hoạt động đầu tư mới, đồng thời tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam…

Thủ tướng đề nghị trong quá trình đầu tư, Tập đoàn lưu ý đáp ứng kịp thời những chuyển đổi trong xu thế sử dụng năng lượng phát triển bền vững của Việt Nam, sử dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Thủ tướng tiếp ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mitsui - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tiếp ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mitsui - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Mitsui báo cáo, kiến nghị một số nội dung liên quan Dự án Khí Lô B với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, dự kiến cung cấp khí cho 4 nhà máy điện Ô Môn với tổng công suất khoảng 3.800 MW, đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu cắt giảm khí thải, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng hoan nghênh những thành công bước đầu của Mitsui và kế hoạch của Tập đoàn đầu tư vào các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam. Phía Việt Nam cam kết triển khai các thủ tục một cách nhanh nhất cho các nhà đầu tư, việc đàm phán giá cả theo cơ chế thị trường và quy định của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời, xử lý ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền; về các vấn đề cụ thể, Mitsui trao đổi, bàn bạc trực tiếp với các bộ trưởng để giải quyết.

Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn tích cực tham gia và các lĩnh vực mà Việt Nam đang rất quan tâm như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực…

Thủ tướng tiếp ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sojitz - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tiếp ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sojitz - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sojitz cho biết doanh nghiệp này hiện có 17 công ty liên doanh tại Việt Nam với doanh thu khoảng 1 tỷ USD, hoạt động trong lĩnh vực thiết bị, năng lượng, hóa chất, tiêu dùng, điện, phân bón, đầu tư phát triển rừng và chế biến gỗ... Tập đoàn rất quan tâm tới các dự án liên quan đến giải pháp giảm thiểu carbon tại Việt Nam.

Cũng tại buổi tiếp, lãnh đạo Vinamilk, đơn vị đang có dự án hợp tác với Sojitz cho biết, thời gian qua, những vướng mắc trong triển khai các dự án sau khi báo cáo Thủ tướng đều đã được giải quyết, doanh nghiệp và nhà đầu tư rất phấn khởi vì điều này,

Thủ tướng nêu rõ, khuyến khích Sojitz đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ cũng như triển khai các dự án năng lượng tái tạo phù hợp với quy hoạch điện VIII đang được xây dựng, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam; đồng thời tham gia, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị… Thủ tướng giao tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, xử lý kiến nghị về dự án chăn nuôi bò sữa tại địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.