Trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết (12 và 13/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát một số dự án giao thông trọng điểm. Trở về sau chuyến thị sát, sáng 16/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp phiên thứ 9 của Ban chỉ đạo.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là việc khó, cả về quy mô, đối tượng, phạm vi, với tổng mức đầu tư rất lớn: 422.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Xác định 2024 là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát… phải chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các công việc được giao, với yêu cầu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật.
Nhấn mạnh một số kinh nghiệm là phải bám sát tình hình, phản ứng nhanh, kịp thời, thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là phải chủ động, tích cực triển khai các công việc theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết".
Đua tiến độ
Tại dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong chuyến thị sát đầu năm mới, Thủ tướng đã biểu dương TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng đồng thời cũng nhắc nhở tỉnh Đồng Nai về công tác thu xếp mặt bằng sạch để thi công. Thủ tướng chỉ đạo, cần đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3, xác định 2024 là năm tăng tốc, 2025 là năm bứt tốc và năm 2026 phải hoàn thiện dự án.
Hiện tại, dự án thành phần 1 và 2 của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn bị nghẽn do vướng mặt bằng khiến việc triển khai ngoài hiện trường chưa nhiều. Tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã ra thông báo tìm chủ của 240 khu đất đang vướng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Nếu các chủ đất không phối hợp, tỉnh sẽ xử lý theo quy định để đảm bảo tiến độ.
Tương tự, đường dẫn hai đầu cầu nối TP.HCM - Đồng Nai (dự án thành phần 1A của dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 - TP.HCM) đoạn đường dẫn phía Đồng Nai đang được địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Còn gói thầu cầu Nhơn Trạch và đường dẫn đầu TP.HCM đang vượt tiến độ 4 tháng.
Riêng tại dự án Vành đai 3 TPHCM, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vật liệu.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, toàn dự án cần 9,3 triệu m3 cát san lấp. Năm 2024 cần 6,4 triệu m3 cát, trong đó TP.HCM cần 4,7 triệu m3. Ông Phúc kiến nghị, nguồn vật liệu cát đắp nền đường đã được cấp phép thi công các dự án cao tốc nên được sử dụng linh hoạt cung cấp cho dự án Vành đai 3.
Không chỉ những dự án trọng điểm ở phía Nam, hàng loạt các dự án giao thông lớn khác cũng đang tăng tốc ngay từ những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết. Tinh thần "vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, thi công 3 ca 4 kíp" tiếp tục được đẩy cao trên khắp các công trường.
Ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, hiện 49 mũi thi công tại công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang vẫn đang triển khai "3 ca, 4 kíp". Sau khoảng 1 năm thi công, sản lượng đến nay đạt gần 40% giá trị hợp đồng, vượt 5% so với kế hoạch. Mục tiêu đặt ra là đưa dự án về đích vào tháng 6/2025, rút ngắn 6 tháng so với hợp đồng.
Hiện, các nhà thầu đã được chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phấn đấu trong năm 2024 sẽ hoàn thiện thi công nền đường, cơ bản hoàn thành hạng mục cầu và đạt khoảng 60-70% khối lượng bê tông nhựa lớp 1. Riêng các nhà thầu lớn, có tiến độ thi công tốt như: Sơn Hải, Lizen, chủ đầu tư đã yêu cầu hoàn thiện nền đường đến đâu, thi công móng mặt đường, bê tông nhựa và hệ thống an toàn giao thông đến đó.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, chủ đầu tư một số dự án thành phần khác thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng đang chỉ đạo nhà thầu căn cứ điều kiện thực tế, xây dựng lại kế hoạch thi công, phấn đấu rút ngắn tiến độ so với hợp đồng từ 1-5 tháng.
Gặp không ít khó khăn trong mùa mưa lũ năm 2023, song dự án Hàm Nghi - Vũng Áng cũng là một trong những dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu về đích trước thời hạn khoảng 5-6 tháng.
Đại diện ban điều hành dự án cho biết, ngay sau Tết, 52 mũi thi công trên toàn dự án đã được huy động tăng tốc các hạng mục. Tính đến nay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 20% giá trị hợp đồng. Trong đó, hạng mục cầu (40 cầu) trên tuyến đang có giá trị thực hiện cao nhất, đạt khoảng 55%. Trong năm 2024, sản lượng thi công phấn đấu đạt tối thiểu 65% giá trị hợp đồng, 40 cầu trên tuyến sẽ được cơ bản hoàn thành.
Làm đến đâu chặt chẽ đến đó
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), yêu cầu mặt bằng sạch để thi công là một trong những nút thắt quan trọng của các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam. Do đó, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Riêng công tác triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật, chủ yếu là đường điện cao thế liên quan đến nhiều bộ, ngành, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu ưu tiên thực hiện trước các vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thi công, nhất là các vị trí xây dựng cầu.
Năm 2024, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 56.666 tỷ đồng. Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, 2 chiếm phần lớn kế hoạch vốn được giao 34.512 tỷ đồng, chiếm 60%.
Kết quả giải ngân phụ thuộc lớn vào sản lượng thi công ở hiện trường, Cục Quản lý đầu tư xây dựng ngay từ đầu năm đã đề nghị các chủ đầu tư thường xuyên rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện của các nhà thầu và thực hiện điều chuyển ngay khối lượng thi công các nhà thầu chậm. Đồng thời, tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị thi công, hồ sơ làm đến đâu phải chặt chẽ đến đó.
Mục tiêu đặt ra là hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020; cơ bản hoàn thành một số tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 để đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ trong năm 2025. Cùng đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện các tuyến các tốc kết nối vùng như cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú…
Thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đang làm cơ quan chủ quản 34 dự án/dự án thành phần thuộc các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành GTVT.
Theo kế hoạch đặt ra, năm 2024, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án; phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.
Hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.