Huyện Tu Mơ Rông có hơn 95% dân số là đồng bào DTTS (chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng). Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội các DTTS huyện lần thứ III, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, từ năm 2019 đến nay, kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển, các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giảm dần giá trị sản xuất ngành Nông lâm thủy sản, tăng dần giá trị sản xuất ngành Công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ.
Đặc biệt, đồng bào DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển mạnh diện tích các loại cây dược liệu. Đến nay, toàn huyện có gần 1.730ha cây cà phê, 342ha cây ăn quả, 186ha cây cắc ca, 1.729ha cây sâm Ngọc Linh, 1.309ha cây dược liệu khác. Thu nhập bình quân đầu người và đời sống của Nhân dân dần được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 10,7 - 11,05%/năm vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6 - 8%/năm).
Văn hóa - xã hội có bước phát triển tích cực, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận Nhân dân trên địa bàn tiếp tục được nâng cao. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được phát triển về quy mô và chất lượng. Các chính sách cho người có công, người nghèo, Người có uy tín triển khai kịp thời, hiệu quả. Giá trị văn hóa các dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy. Tình hình an ninh chính trị ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương đề ra.
Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua Quyết tâm thư Đại hội các DTTS lần thứ IV, với mục tiêu đến năm 2029 thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả huyện; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15%; 50% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.
Có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Trên 95% cán bộ, công chức cấp xã của vùng có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; trên 90% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo 4 nhóm đối tượng. Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Phấn đấu xây dựng huyện Tu Mơ Rông ổn định, phát triển nhanh bền vững.
Đại hội đã bầu Đoàn Đại biểu gồm 14 người đi dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024.
Nhân dịp này, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng Giấy khen cho 2 tập thể, 4 cá nhân; UBND huyện Tu Mơ Rông tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 31 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ III (2019 - 2024).