Bước tiến từ hạ tầng giao thông
Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình có 7 xã được công nhận là vùng đồng bào DTTS và miền núi, với gần 29 nghìn người là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mường chiếm 97,18%.
Xác định giao thông là "mắt xích"quan trọng cho sự phát triển các ngành kinh tế, những năm qua, huyện Nho Quan đã ưu tiên nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông, nhằm kết nối vùng, thu hút đầu tư. Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo diện mạo mới cho quê hương.
Tuyến đường thôn Đồng Quân, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan trước kia nhỏ hẹp khó khăn cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Được sự quan tâm của tỉnh, của huyện, năm 2020, dự án đường ứng cứu phòng hộ vườn Quốc gia Cúc Phương, ổn định dân cư, phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn phía Tây tỉnh Ninh Bình, với chiều dài gần 12km được khởi công. Qua gần 2 năm thi công, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội giao thương với các vùng phụ cận, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, hệ thống giao thông của huyện Nho Quan tương đối hoàn chỉnh, với 35km đường quốc lộ, liên xã kết nối tới trung tâm hành chính các xã, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện, trong đó 100% đường huyện đã được trải áp phan, đặc biệt nhiều tuyến đường liên thôn xóm, bản ở những xã đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng phân lũ, chậm lũ nay cũng được trải áp phan và bê tông hóa.
Hiệu quả từ các chương trình MTQG
Theo báo cáo của huyện Nho Quan, sau gần 3 năm thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Nho Quan đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2021, 2022 và 9 tháng năm 2023 đều đảm bảo theo kế hoạch.
Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhiều dự án đã được triển khai và đạt hiệu quả tốt như: dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải tạo dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...
Đã có hàng nghìn gia đình đồng bào được hưởng lợi, có sinh kế bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2022 còn 3,54%, hộ cận nghèo còn 4,25%. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; trình độ, năng lực cán bộ xã, thôn, bản từng bước được nâng lên; sản xuất nông, lâm nghiệp chuyển biến theo hướng kinh tế hàng hóa.
Riêng với Cúc Phương, đây là xã miền núi đặc thù của huyện Nho Quan với 86% dân số là người dân tộc Mường. Những năm qua, Chương trình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả thiết thực. Người dân được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua đó đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nhiều học sinh được tiếp sức đến trường... Chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, xuất khẩu lao động được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, tiếp thêm động lực giúp các hộ nghèo vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, Chương trình MTQG 1719, được triển khai đúng đối tượng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, NTM nâng cao đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, đến nay xã Cúc Phương đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Vừa qua, Đoàn giám sát thực hiện các Chương trình MTQG của Trung ương do bà Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, làm việc với huyện Nho Quan và xã Cúc Phương về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay.
Báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình của huyện với Đoàn công tác, ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: Đối với Chương trình MTQG 1719, từ năm 2021 đến nay huyện Nho Quan đã giải ngân trên 33/95 tỷ đồng, đạt gần 35% kế hoạch giao. Qua đó, từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, từ triển khai Chương trình xây dựng NTM đã có 26/26 xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu, với 53/274 thôn, xóm NTM kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt.