Dân đã nghèo lại tốn thêm tiền mua nước
Hàng chục năm nay, nguồn nước ăn uống, sinh hoạt đối với người dân xã Triệu Đông luôn là vấn đề nan giải, dù nhu cầu của người dân là hết sức bức thiết. Trong các cuộc họp xã, thôn, các đợt tiếp xúc cử tri, bà con luôn có kiến nghị về vấn đề nước sạch, tuy vậy đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết.
Ghé thăm gia đình bà Lê Thị Năm, thôn Bích La Đông khi bà đang cặm cụi đạp xe đi mua nước sạch về để phục vụ ăn uống, bà Năm cho biết: “Nhà neo người nên mỗi lần đi mua nước, tôi phải mua luôn 4-5 bình nước loại 20 lít để dùng dần trong tháng. Không đủ sức lên tận xã Triệu Long, cách nhà 5-6km để mua nước giá rẻ hơn, tôi đành mua nước bình ngoài quán tạp hóa với giá 8.000 đồng/bình”.
Ở xã Triệu Đông, nhiều hộ đã thuê thợ khoan giếng về khoan sâu với hy vọng có nguồn nước đảm bảo sinh hoạt, nhưng khi bơm nước lên vẫn có mùi hôi, ban đầu nước trong nhưng để một lúc sau thì đục dần, đóng váng.
Gia đình ông Trần Nhân Sinh ở thôn Nại Cửu có 3 cái giếng, 1 giếng đào và 2 giếng khoan nhưng nguồn nước đều không thể dùng để uống mà chỉ để sử dụng tắm giặt vì bị nhiễm phèn nặng. Ông Sinh kể: “Từ năm 1989, gia đình chúng tôi đã đào giếng nhưng chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh và sức khỏe. Nước bơm lên, gia đình đã lắng lọc qua nhiều lần nhưng khi tắm vẫn bị ngứa ngáy, còn giặt quần áo màu trắng thì chuyển sang ố vàng, vải mục rất nhanh”.
Còn gia đình bà Hoàng Thị Xá, thôn Nại Cửu dù đã đầu tư bình lọc nước hiện đại có chức năng lọc rất nhiều lần, có chế độ khử phèn và các loại tạp chất nhưng nước uống vẫn còn mùi phèn.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật
Ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông thông tin, toàn xã có 1.656 hộ dân thì có đến 1.600 hộ thiếu nước sạch. Hiện chỉ có vài chục hộ dân ở xóm sát với xã Triệu Long là có nước máy dùng, số còn lại phải mua nước dùng hoặc dùng nước giếng khoan, giếng đào. Theo ông Bắc, mấy năm trước đã có cán bộ của Trung ương và tỉnh về lấy mẫu nước tại địa phương để kiểm nghiệm và kết luận nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm kim loại asen, chì nặng. Qua khảo sát sơ bộ, địa phương đã có khoảng 160 người bị ung thư dạ dày, vòm họng, đại tràng. Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp bị mắc bệnh về da liễu, đau mắt. Tình trạng này khiến người dân hết sức lo lắng vì nguy cơ nhiễm bệnh nếu như thời gian tới không có nguồn nước máy đảm bảo.
Được biết, xã Triệu Đông đã về đích nông thôn mới năm 2017, nhưng tiêu chí nước sạch vẫn đang là vấn đề bức xúc. Toàn huyện Triệu Phong hiện nay chỉ có 8 công trình cấp nước, trong đó có 1 công trình không hoạt động. Theo báo cáo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi-đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị đầu năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn huyện Triệu Phong sử dụng nước sạch đạt chuẩn kỹ thuật quốc gia chỉ đạt 43,5%. Tỷ lệ này phân bố không đều và tỷ lệ cao nhất là các xã Triệu Thành, Triệu Thuận, Triệu Đại, Triệu Độ.
Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết: Huyện đã nhiều lần làm việc với Công ty cổ phần nước sạch Quảng Trị, nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi!
ĐỨC VIỆT