Việc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ được tiến hành trên 63 tỉnh, thành và 3 Bộ đặc thù (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao). Nội dung điều tra bao gồm thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động – việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư. Lực lượng tham gia tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra. Việc thu thập thông tin được cải tiến với ba hình thức: Phiếu điện tử trên thiết bị điện tử di động (CAPI), phiếu trực tuyến sử dụng internet (webform) và phiếu giấy in sẵn.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam. Đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011 – 2020; là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045…
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã báo cáo một số nét khái quát về công tác chuẩn bị nghiệp vụ và hạ tầng CNTT, công tác tuyên truyền, công tác chuẩn bị điều tra của ba Bộ đặc thù thực hiện Tổng điều tra theo kế hoạch riêng. Lực lượng tham gia Tổng điều tra từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã đang tiếp tục được thiết lập, tạo nêncơ sở dữ liệu thống nhất trên Trang Web điều hành tác nghiệp, bao gồm: Danh sách điều tra viên thống kê và phân công trách nhiệm cho điều tra viên thống kê thu thập thông tin tại các địa bàn điều tra cụ thể; Danh sách giám sát viên các cấp và phân công trách nhiệm cho giám sát viên kiểm tra, nghiệm thu trên các địa bàn cụ thể
Tại Hội nghị trực tuyến, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo với Ban Chỉ đạo tiến độ triển khai thực hiện Tổng điều tra, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 như: rào cản ngôn ngữ, vị trí địa lý, hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực cán bộ điều tra…
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: Chúng ta đã sẵn sàng cho việc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, các đơn vị liên quan đã ban hành mẫu phiếu điều tra, phần mềm trực tuyến; hạ tầng CNTT đã được nâng cấp, sẵn sàng đáp ứng tốt cho điều tra. Phó Thủ tướng yêu cầu: Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt mục đích yêu cầu, quy mô của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đảm bảo chính xác, chất lượng, nhanh gọn, an toàn tuyệt đối (trong thu thập và sử dụng số liệu); bảo đảm tính tiết kiệm, hiệu quả. Cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Tổng điều tra dân số và nhà ở để đạt hiệu quả cao nhất; huy động toàn thể nhân dân cung cấp thông tin; chú trọng những địa bàn khó khăn về địa lý, vùng sâu vùng xa… Các bộ, ngành, địa phương đồng loạt ra quân vào sáng 1/4; Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai từ 1/4 – 25/4/2019. Tăng cường giám sát, kiểm tra, công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra vào tháng 7/2019, công bố điều tra mẫu vào tháng 9, công bố chính thức vào Quý II/2020, báo cáo phân tích chuyên đề vào Quý IV/2020. Các địa phương có báo cáo nhanh công tác tổ chức, triển khai, kết quả sơ bộ về Ban Chỉ đạo Trung ương ngay sau thời điểm 25/4/2019
MINH THU