Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cà Mau: Phát triển mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, hướng đi nhiều sáng tạo

Minh Nhật (t/h) - 08:47, 24/05/2024

Đối với tỉnh Cà Mau, cua biển là loài thuỷ sản nuôi có giá trị kinh tế cao, chỉ sau con tôm. Những năm gần đây, nghề nuôi cua phát triển nhanh về diện tích, sản lượng, theo hướng sản xuất hàng hoá, phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Tuy nhiên, hiện tại nghề nuôi cua tại Cà Mau cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có diễn biến bất lợi của thời tiết, môi trường, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên vào thời điểm giao mùa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nghề cua; ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế; quy trình sản xuất giống chưa ổn định, chất lượng con giống chưa cao; chưa đa dạng trong phát triển các loại hình nuôi mới...

Mô hình nuôi cua bằng hộp nhựa của gia đình chị Quyên bước đầu thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình nuôi cua bằng hộp nhựa của gia đình chị Quyên bước đầu thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Xuất phát từ thực tế đó, đồng thời nhằm khắc phục được khó khăn cơ bản nhất là “được mùa – mất giá”, gia đình chị Nguyễn Thị Quyên, ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, đã nghiên cứu, áp dụng mô hình nuôi cua trong hộp nhựa bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ mô hình này, gia đình chị Quyên đã có thể kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh và chế độ ăn là nguyên nhân chính dẫn đến đến tỷ lệ cua giống bị hao hụt cao.

Mô hình nuôi cua công nghệ cao được gia đình chị Quyên đầu tư bài bản bằng hệ thống hộp nhựa, hệ thống xử lý nước tuần hoàn. Qua đây, người nuôi có thể thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng nguồn nước, nhiệt độ và sức khoẻ của cua để kịp thời điều chỉnh hệ thống đảm bảo môi trường sống cho cua nuôi.

Chia sẻ bí quyết giúp 5 vụ nuôi đã qua của gia đình luôn thành công, chị Nguyễn Thị Quyên cho rằng, cua được chọn nuôi là những con cua khỏe, có sức sống tốt nên tỷ lệ hao hụt rất ít. Xuyên suốt quá trình này, cua nuôi sẽ được theo dõi sức khỏe, độ nhạy bắt mồi hằng ngày thông qua ghi chép để có điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.

“Cua được cho vào từng hộp nuôi vỗ từ cua đém (chưa đủ gạch) thành cua gạch; cua y mềm thành y cứng; cua yếm vuông lên cua cốm (cua 2 da). Thời gian nuôi vỗ từ 10-40 ngày, tuỳ loại, là có thể xuất bán. Nguồn thức ăn cho cua cũng có sẵn ở địa phương nên rất dễ tìm như: Cá phi, vẹm, ốc...". chị Nguyễn Thị Quyên chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, việc mở rộng thêm quy mô nuôi sẽ rất khả quan, chi phí nuôi cũng có thể giảm xuống nhờ vào hệ thống nuôi rong và ao cá phi để lọc nước trong ao lắng.

Mô hình nuôi cua bằng hộp nhựa bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn vừa ít rủi ro, vừa chủ động được thời điểm xuất bán cua thương phẩm.
Mô hình nuôi cua bằng hộp nhựa bằng công nghệ lọc nước tuần hoàn vừa ít rủi ro, vừa chủ động được thời điểm xuất bán cua thương phẩm.

Đối với người nuôi mới, chi phí đầu tư ban đầu sẽ là một trở ngại không nhỏ, tuy nhiên theo như tính toán của chị Nguyễn Thị Quyên thì người nuôi có thể lấy lại lợi nhuận qua từng vụ nuôi. Mỗi lô cua nuôi trung bình sẽ từ 10 - 40 ngày là có thể xuất bán, lợi nhuận từ 5 đến 7 triệu đồng.

Hiện, với 200 hộp nhựa dùng để nuôi cua, gia đình chị Quyên áp dụng công thức nuôi theo kiểu xoay vòng từng lô, đảm bảo ngày nào cũng có cua bán ra thị trường. Từ cách làm này, gia đình chị đã chủ động được việc xuất bán cua thương phẩm vào thời điểm cua hút hàng nhất, giá cao nhất, nên lợi nhuận cũng vì thế mà có lúc đã tăng hơn 150%.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch hội Nông dân xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết, theo đánh giá sơ bộ, mô hình này không chỉ đem lại lợi nhuận tốt mà hơn hết chính là việc người nông dân đã bắt đầu quan tâm đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“So với cách nuôi cua truyền thống, hình thức nuôi trong hộp nhựa đòi hỏi người nuôi phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu xử lý nước, sức khỏe cua nuôi đến việc cho ăn, vệ sinh hộp nhựa. Tuy nhiên, nuôi cua trong hộp nhựa lại có ưu điểm lớn là không cần nhiều diện tích đất, người nuôi có thể kiểm soát được số lượng cua nuôi, kiểm soát được dịch bệnh, thu hoạch chủ động để bán được giá cao nhất. Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của chị Nguyễn Thị Quyên đã mở ra hướng đi mới cho những chị em phụ nữ ở nông thôn”, ông Trần Thanh Liêm đánh giá.

Hiện, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của gia đình chị Quyên đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước đầu tư 180 triệu đồng để phát triển mô hình.

Với những ưu điểm, mô hình độc đáo này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và hiện mô hình nuôi tương tự đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương khác trong tỉnh, cũng đều cho kết quả khả quan.

Cua biển Cà Mau là sản phẩm thuỷ sản thuộc thế mạnh và nằm trong nhóm đối tượng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Diện tích thả cua hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng trên 250.000 ha, sản lượng thu hoạch ước khoảng trên 25.000 tấn, giá trị thương phẩm trên 10.000 tỷ đồng/năm, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nuôi thuỷ sản (chỉ đứng sau các sản phẩm tôm).

Cà Mau là địa phương có sản lượng cua nhiều nhất trong cả nước. Đồng thời, một số vùng nuôi cua của Cà Mau cũng đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể nhằm tăng cường hơn nữa quản lý, kiểm soát chất lượng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm Cua của địa phương được đánh giá là sản phẩm đặc sản địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao nhờ có chất lượng vượt trội.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.