Ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, còn có toạ đàm thúc đẩy chuyển đổi số du lịch trên địa bàn tỉnh, với chủ đề: “Chuyển đổi số du lịch tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới”; tọa đàm thúc đẩy chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP với chủ đề: “Chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, chuyển đổi số là việc chưa có tiền lệ, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số hiện nay là thay đổi thói quen và rào cản lớn nhất là kỹ năng số. Cà Mau xác định chuyển đổi số là để phục vụ người dân, doanh nghiệp nên chú trọng việc đưa chuyển đổi số đến với đối tượng thụ hưởng. Thiết thực nhất là việc Cà Mau triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng. Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ hướng dẫn người dân biết thanh toán điện tử; đăng ký khám chữa bệnh, hồ sơ sức khỏe điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
“Chúng tôi đưa chuyển đổi số đến người dân bằng cách đi từ những nhu cầu thiết thực và thông dụng nhất để kích thích người dân sử dụng. Hiện toàn tỉnh đã có 48/101 xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; có 364 Tổ công nghệ số cộng đồng khóm/ấp đã trực tiếp hướng dẫn cho hơn 70.600 hộ gia đình sử dụng. Tổ công nghệ số cộng đồng chính là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp để đưa người dân và doanh nghiệp đến với chuyển đổi số”, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết.
Cà Mau có kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: tổ chức hội nghị; các sự kiện, đặc biệt là hưởng ứng “Ngày Chuyển đổi số quốc gia”; không chỉ xây dựng các chuyên đề, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng tỉnh còn tăng cường tuyên truyền phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cả trên các nền tảng mạng xã hội để có sức lan tỏa rộng hơn.