Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cà Mau: Liên tiếp "lập kỷ lục" về số ca nhiễm Covid-19

N.Tâm - H.Diễm - 15:55, 17/12/2021

Trong vòng 1 tuần qua, Cà Mau đã ghi nhận trên 6.400 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có khoảng 70% là các ca ghi nhận trong cộng đồng. Đây là con số đáng báo động về tình hình dịch bệnh ở tỉnh này. Đặc biệt, trong ngày 16/12, Cà Mau ghi nhận 1.339 ca, là số ca cao nhất từ đầu đợt dịch. Tính từ ngày 14/12 đến nay, số ca nhiễm của Cà Mau luôn vượt 1.000 ca mỗi ngày. Đến nay, Cà Mau đã vượt 21.000 ca, với số ca nhiễm tăng cao, hệ thống y tế Cà Mau đang bị quá tải.

Số ca bệnh tăng cao khiến hệ thống y tế quá tải, Cà Mau cho phép điều trị bệnh nhân F0 tại nhà
Số ca bệnh tăng cao khiến hệ thống y tế quá tải, Cà Mau cho phép điều trị bệnh nhân F0 tại nhà

Nguyên nhân khiến F0 tăng cao

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, nguyên nhân số ca nhiễm tăng cao chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan của người dân, không thực hiện quy định 5K, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, tập trung đông người. Trong đó, có cả một bộ phận đảng viên và một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu chưa thật sự nghiêm túc. Cùng với đó, việc trở lại bình thường mới, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương buôn bán kinh doanh, nên số ca lây nhiễm tăng nhanh trong cộng đồng.

Đáng lo ngại khác, hiện tốc độ bao phủ vắc xin ở Cà Mau chưa đạt tỷ lệ tuyệt đối (mũi 1 đạt 97%, mũi 2 đạt 89%), còn trên 2% người dân chưa tiêm mũi nào và đối tượng từ 11 tuổi trở xuống vẫn chưa có chủ trương được tiêm. Ðó cũng là lý do những ngày gần đây, đối tượng nhiễm dưới 11 tuổi khá nhiều, người bệnh nền chưa tiêm cũng tăng.

Một nguyên nhân quan trọng không kém, khiến tình hình dịch bệnh ở Cà Mau diễn biến căng thẳng, là do các cơ sở y tế quá tải, cùng lúc không đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân. Năng lực của đội ngũ nhân viên y tế còn hạn chế, một số chưa đáp ứng được yêu cầu trong xét nghiệm, điều trị.

Vắc xin là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng
Vắc xin là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng

Dồn lực khống chế dịch bệnh

Để khống chế và từng bước đẩy lùi dịch bệnh, Cà Mau đang tổng lực kéo giảm F0, bằng nhiều biện pháp, tăng cường tiêm ngừa vắc xin đạt 100% đối tượng từ 12 tuổi trở lên; tiêm chủng trẻ từ 11 tuổi trở xuống khi có chủ trương. Kiềm chế số đã nhiễm không chuyển nặng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. 

Ðồng thời, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch để mỗi người tự ý thức trách nhiệm với bản thân mình, người thân trong gia đình mình và với cộng đồng. Thay đổi kiểu suy nghĩ, đã tiêm 2 mũi rồi thì không sợ lây nhiễm. Hạn chế thấp nhất tình trạng tập trung đông người, tiệc tùng. Bởi chỉ cần một người trong đó nhiễm, thì sẽ lây lan nhanh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, xác định vắc xin là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn sự lây lan, và trở nặng của dịch bệnh trong cộng đồng, Cà Mau đã chỉ đạo công tác tiêm ngừa chậm nhất đến ngày 31/12 tiêm dứt điểm, bảo đảm 100% dân số được tiêm đủ liều cơ bản 2 mũi. 

Ngoài ra, tỉnh bắt đầu chủ trương tiêm mũi 3, mũi bổ sung, mũi tăng cường để tăng khả năng miễn dịch trong cộng đồng, với tinh thần thần tốc, bảo đảm tiến độ, hơn hết tiêm chủng đạt số mũi tiêm theo yêu cầu. Tập trung điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong do Covid-19 là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

UBND tỉnh yêu cầu, ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và tổ chức thật tốt việc điều phối, phân tầng điều trị Covid-19; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các điều kiện cần thiết khác; triển khai sử dụng thuốc điều trị Covid-19 ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ, bảo đảm đủ thuốc điều trị cho tất cả người mắc Covid-19.

 UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo chấn chỉnh ngay đối với những Trung tâm Y tế huyện, thành phố chậm trễ, không kịp thời cấp, phát thuốc điều trị F0 và các vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch cho các xã, phường, thị trấn.

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR phải trả kết quả bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra chậm trễ, chấn chỉnh lại quy trình xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện, cơ sở điều trị F0.

Để kịp thời khống chế được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và tử vong, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho công tác phòng trị dịch Covid-19. Bổ sung khẩn cấp thuốc kháng vi rút gồm: Molnupiravir 50.000 liệu trình điều trị; Favipiravir 20.000 liệu trình điều trị. Cho phép khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp nguồn nhân lực phòng, chống Covid-19 chi viện cho Cà Mau...