Con đường vào buôn M’liêng đã được thảm nhựa thẳng tắp, song không gian buôn làng vẫn giữ được nét thanh bình, cổ kính như một Tây Nguyên hoang sơ hàng trăm năm trước. Những ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào M’nông được gắn bảng số nhà nằm san sát nhau, xung quanh bao bọc bởi những tán cây xanh rì, không có tường rào ngăn cách.
Buôn M’liêng có 148 hộ, 678 nhân khẩu, thì có 146 hộ là người M’nông, chỉ có 2 hộ người Kinh. Giữa buôn có cây đa cổ thụ trên 200 tuổi nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa cộng đồng tạo thêm dấu ấn của một buôn cổ trăm tuổi. Theo các bậc cao niên trong buôn, cây đa này đã có từ lâu, mặc cho mưa bão quét qua hằng năm cây đa vẫn phát triển xanh tốt.
Người dân buôn M’liêng coi cây đa cổ thụ như vật thiêng, mỗi lần trong buôn có lễ hội hay gia đình nào có việc quan trọng, già làng, trưởng buôn và người chủ hộ đều mua lễ ra cúng cây cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống buôn làng ấm no, hạnh phúc.
Ngược lại, để tỏ lòng thành kính cây thiêng, người dân trong buôn từ già đến trẻ đều chung tay bảo vệ, chăm sóc cây. Cuối tháng 7/2017, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh vừa công bố Quyết định và gắn biển “Bảo tồn cây cổ thụ” này.
Ngồi sau phên nứa của ngôi nhà sàn truyền thống, ông Y San cho hay, ở trong buôn có đến 90% là nhà sàn, nhưng cũng đáng tiếc là, phần lớn không còn nguyên bản kiểu truyền thống do bị xuống cấp theo thời gian; gỗ khan hiếm, người dân phải sử dụng vật liệu hiện đại như bê tông, xi măng làm cột, mái tôn thay thế mái tranh.
Năm 2006, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã cho phép Sở VHTTDL Đăk Lăk triển khai Dự án Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống M’liêng, với mục tiêu xây dựng, bảo tồn buôn M’liêng với đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’nông R’lăm.
Năm 2009, Sở VHTTDL Đăk Lăk cùng với Ban tự quản buôn M’liêng xây dựng 6 ngôi nhà truyền thống cùng nhiều hạng mục. Đến nay, 4 ngôi nhà dài vẫn được các hộ trong buôn sử dụng, 2 ngôi nhà còn lại do chủ nhân đã mất, qua thời gian dài không có người ở nên đã hư hỏng. Hiện tại, bà con trong buôn còn giữ gìn nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm…
Đặc biệt, trong làng còn nhiều nhà giữ được chiêng cổ, trống da trâu, ché cổ, ghế K’pan…; Điển hình như gia đình ông Y Dlum Teh (86 tuổi) còn giữ được bộ chiêng cổ. Trong các dịp lễ hội trong buôn hay các ngày lễ quan trọng của người thân trong gia đình, ông lại mang bộ chiêng ra diễn tấu phục vụ bà con. Với ông, chiêng là vật thiêng bao đời của các thế hệ trong gia đình, do đó ông luôn dặn dò con cháu phải lưu giữ cẩn thận, tuyệt đối không được bán đi.
Ông Y Dlum Teh cho hay: Dù nhiều nhà giữ được chiêng, trống, nhạc cụ dân tộc… nhưng nỗi trăn trở nhất là hiệu nay trong buôn những người biết diễn tấu chiêng hay thuộc chuyện cổ, hát Ay Ray, chơi các nhạc cụ còn rất ít.
Ngoài bộ chiêng cổ của gia đình ông Y Dlum, buôn M’liêng có 8 bộ chiêng cổ có độ tuổi từ 100-200 năm. Năm 2011, buôn M’liêng là một trong 6 buôn của huyện Lăk được Sở VHTTDL cấp 1 bộ chiêng và được chọn để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng 10 buôn làng truyền thống của các cộng đồng DTTS trên địa bàn Đăk Lăk trong đó có buôn M’liêng nhằm phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng…
LÊ HƯỜNG