Nhưng nhiều năm nay, người dân trong buôn luôn đồng lòng cùng cán bộ kiểm lâm vườn tham gia công tác bảo vệ rừng, trở thành lực lượng hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Buôn Đrăng Phốk hình thành trước khi Chính phủ có quyết định thành lập Vườn Quốc gia Yok Đôn nên toàn bộ diện tích đất canh tác và đất ở của buôn đều thuộc Vườn quản lý. Ranh giới giữa ruộng rẫy của dân và rừng được cắm mốc rất rõ ràng, người dân không thể mở rộng diện tích đất canh tác.
Trước đây, cuộc sống của người dân trong buôn đói nghèo vì đất canh tác ít, lại phụ thuộc nước tưới vào tự nhiên nên mỗi năm chỉ canh tác được một vụ, năng xuất không cao. Lúc đó, người dân thường vào rừng chặt gỗ bán kiếm tiền đong gạo hay săn bắt con thú rừng cải thiện bữa ăn. Nhưng từ năm 2008, Vườn Quốc gia Yok Đôn phối hợp với Bộ đội Biên phòng, UBND huyện đầu tư xây dựng đập nước, hệ thống kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 40ha đất lúa hai vụ, đời sống người dân dần được cải thiện.
Ông Lê Dũng, Trưởng buôn Đrăng Pôk cho biết: Từ khi Vườn Quốc gia đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, cây trồng được mùa, lúa gạo đủ ăn, người dân yên tâm sống với đồng ruộng, không ai còn tư tưởng kiếm lợi từ rừng. Ngược lại, nhiều năm nay cả buôn còn tham gia tổ cộng đồng đồng lòng cùng cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng. Sống giữa bốn bên là gỗ, thú rừng quý hiếm, nhưng bà con trong buôn dù nghèo vẫn bám ruộng rẫy chứ kiên quyết không phá rừng.
Buôn Đrăng Pôk có 114 hộ, 500 nhân khẩu, trong đó có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, gồm dân tộc Ê-đê, Jrai, M’nông, Lào. Thu nhập chính là nghề nông, canh tác trên diện tích đất nông nghiệp đã cố định vì không thể lấn chiếm vào đất rừng. Năm 2013, Vườn Quốc gia Yok Đôn giao khoán hơn 1.500ha rừng cho cộng đồng buôn quản lý, bảo vệ, với kinh phí 200 nghìn đồng/ha/năm. Hơn 100 hộ dân tự nguyện đăng ký nhận nhiệm vụ cùng Hạt kiểm lâm Vườn làm công tác tuần tra bảo vệ rừng.
“Bà con hăng hái nhận khoán rừng vì công việc quản lý bảo vệ rừng không mấy nặng nhọc, đi tuần, phát đường biên đều có cán bộ Kiểm lâm vườn đi cùng hướng dẫn, hỗ trợ. Cuối năm, mỗi gia đình có thêm khoản tiền để ăn Tết, trang trải cuộc sống”, ông Dũng nói.
Ngoài chính sách bảo vệ rùng, buôn còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn, buôn vùng đệm rừng đặc dụng 40 triệu đồng/năm để mua bò giống. Với số tiền này, người dân trong buôn họp bàn mỗi năm mua 4 con bò giống giao cho 4 hộ nuôi, đến khi bò sinh sản thì người nuôi được giữ lại con bò con, còn bò mẹ sẽ chuyển sang cho hộ khác. Nếu muốn giữ lại cả hai mẹ con bò thì người nuôi phải hoàn trả 10 triệu đồng để buôn mua bò cho hộ khác nuôi.
Ông Lương Xuân Tình, công tác tại Trạm kiểm lâm Đrăng Pôk, Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết: Vườn Quốc gia Yok Đôn đã làm giao ước với tổ cộng đồng buôn, nếu tổ viên không đi tuần đủ số công hoặc vi phạm quy định bảo vệ rừng thì toàn buôn sẽ bị trừ tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, đồng bào DTTS ở đây rất đoàn kết, họ không để cho bất kỳ tổ viên nào bị trừ tiền, mang số tiền tổ cộng đồng được nhận chia đều cho tất cả mọi người để những người vi phạm có ý thức, trách nhiệm hơn trong công việc chung và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi người.
“Nhiều năm nay, tổ cộng đồng bảo vệ rừng buôn Đrăng Pôk luôn dẫn đầu trong công tác bảo vệ rừng. Trên diện tích rừng do người dân buôn và Trạm kiểm lân Đrăng Pôk quản lý không xảy ra tình trạng phá rừng để lấy gỗ hay lấn chiếm để làm nương rẫy và cũng không có tình trạng rừng bị xâm hại từ bên ngoài”, ông Tình nói.
Hiện nay, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã giao khoán bảo vệ rừng cho 19 thôn, buôn trên địa bàn vùng lõi và đệm rừng. Các Trạm kiểm lâm phụ trách địa bàn sắp xếp lịch, chấm công bà con đi tuần tra, phát đường biên, lấy đó làm tiêu chuẩn nghiệm thu để tổng kết. Nếu như bà con hoàn thành nhiệm vụ trên 90% sẽ được Vườn hỗ trợ thêm. Hiện tại, công tác bảo vệ rừng phối hợp với cộng đồng thôn buôn đang phát huy hiệu quả tốt.
LÊ HƯỜNG