Trái ngọt trên thảo nguyên
Thời điểm từ tháng 6 tới tháng 8 đang là mùa sim rừng chín rộ, thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi thu hút nhiều người phương xa đến khám phá và trải nghiệm. Đồi sim Bùi Hui rộng khoảng 20ha, mỗi mùa sim chín, bình quân mỗi ngày, một người dân có thể hái từ 10 - 15kg quả sim. Sim rừng được bán tại đồi với giá 15.000 đồng/kg, bán tại chợ hơn 20.000 đồng/kg. Đồi sim trên thảo nguyên đã giúp cho gần 100 hộ dân tộc Hrê ở thôn Bùi Hui có thêm việc làm và thu nhập ổn định từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Hiện tại, với sự hỗ trợ của Nhà nước, của chính quyền địa phương đã giúp người dân bảo vệ và chăm sóc đồi sim, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giúp đồng bào Hrê có thêm nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Một phần trong số sim thu hoạch được người dân đưa vào làm rượu sim, mật sim dưới sự hướng dẫn kỹ thuật chế biến của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Tơ để sử dụng và bán ra thị trường.
Những năm gần đây, huyện Ba Tơ đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện. Khu vực thảo nguyên Bùi Hui đã được các cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp phát triển điện gió, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng.
Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây sim mang lại, xác định việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn và phát triển cây sim rừng kết hợp với du lịch là một hướng đi mới và lâu dài, huyện Ba Tơ đã quy hoạch vùng trồng sim gần 20ha, với 30 hộ tham gia. Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại huyện Ba Tơ cũng đã vào cuộc và hỗ trợ người dân vật tư, tổ chức tập huấn, nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong quá trình sản xuất. UBND huyện Ba Tơ cũng đề nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ thực hiện Dự án quản lý, bảo vệ, khai thác và chế biến sim rừng Bùi Hui nhằm nâng cao giá trị cây sim rừng tại đây. Đây là hướng đi tạo sản phẩm du lịch đặc thù và tăng thu nhập cho người dân.
Thảo nguyên thức giấc
Làng Bùi Hui có 104 hộ dân, 320 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Từ đầu năm 2022, khi điện lưới quốc gia được kéo về và nhờ sự quan tâm của Nhà nước, tuyến đường từ thị trấn Ba Tơ đi các xã Ba Trang, Ba Khâm và thị xã Đức Phổ đã được đầu tư xây dựng. Đường sá đi lại thông suốt, tạo đòn bẩy để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, bộ mặt xã Ba Trang từng bước đổi thay rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Không chỉ có phong cảnh đẹp, du khách đến thảo nguyên Bùi Hui còn được thưởng thức các hoạt động văn hóa của cộng đồng người Hrê như trình diễn chiêng ba, tham quan, trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giao lưu múa, hát H’chôi (Ka choi) và Tă têu (Ka lêu), đàn Brooc… Đây là tiềm năng lớn để tạo thành các điểm du lịch cộng đồng mang đậm nét văn hóa đặc sắc đồng bào DTTS ở núi rừng Ba Tơ.
Những năm gần đây, huyện Ba Tơ đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện. Khu vực thảo nguyên Bùi Hui đã được các cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp phát triển điện gió, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng. HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui được thành lập vào tháng 7/2023 với 16 xã viên, khai thác những thế mạnh du lịch tại địa phương và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Trương Quang Điền, Giám đốc HTX Du lịch và Nông nghiệp Thảo nguyên Bùi Hui chia sẻ, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, thảo nguyên Bùi Hui đón 5.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Xác định du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, HTX đang tận dụng lợi thế thiên nhiên, các ngành nghề truyền thống để nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn.
Được biết, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung phát triển du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong vùng dự án, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi.