Trái tim người thầy phải có "lửa"
Bạn bè đồng nghiệp thường trìu mến gọi là cô Kầm. Cô 32 tuổi, là tổ trưởng chuyên môn khối lớp 1 và 2 của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2012, Ka Kầm tốt nghiệp Cao đẳng Giáo dục Tiểu học về dạy học tại Trường Tiểu học xã Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai. Dạy kê 3 khối lớp 1, 2, 3. Vạn sự khởi đầu nan, không có máy tính, máy in; vốn liếng sư phạm chưa nhiều; kinh nghiệm làm hồ sơ sổ sách không có, tích lũy từ sự góp ý của các đồng nghiệp, có lúc cô rơi vào tự ti…
Năm học 2013-2014, cô Ka Kầm chuyển về dạy học Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Phước Lộc, quê hương gắn với tuổi thơ gian khó của mình. Phước Lộc, là xã nghèo, diện “đặc biệt khó khăn” với 80% đồng bào dân tộc Mạ. Bây giờ dù đã thoát nghèo nhưng vẫn là một trong 77 xã của tỉnh Lâm Đồng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 861 của Chính phủ.
Trong hoàn cảnh địa phương như thế, tình yêu đối con trẻ của buôn làng càng lớn hơn đối với cô giáo Ka Kầm. Nó là điểm tựa và động lực để cô quyết chí vượt lên bản thân. Nhưng tình yêu trẻ và nhiệt huyết với nghề chưa đủ mà cần hơn nữa về năng lực của người thầy đứng lớp.
Lớn lên từ nơi thiếu chữ, hơn một lần, cô càng hiểu câu nói của nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ: “Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể dạy học nếu thiếu nhiệt huyết”. Thứ “ánh sáng” mà cô vươn đến là tri thức. Và nó sẽ là chìa khóa để khơi mở những trí tuệ những tâm hồn của trẻ thơ, giúp lũ trẻ trong buôn bước đến những chân trời mới. Gần 3 năm nung nấu suy nghĩ đó, Ka Kầm quyết chí nâng trình độ đào tạo bằng cách học liên thông lên đại học theo hình thức từ xa với Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 2017, cô chính thức trở thành tân cử nhân. Vốn sống với nghề và vốn kiến thức có thể bắt đầu giúp cô tự tin để dấn thân với sự nghiệp “trồng người" cao quý. Điều tâm niệm cũng là chí hướng của cô Kầm như cô chia sẻ: “Nghề giáo viên giống như người truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa”.
Trong hình dung của đồng nghiệp về cô Kầm là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, học hỏi và sẻ chia, tập hợp và nêu gương. Trong cảm nhận của các bậc cha mẹ học sinh và học sinh về cô là sự tận tâm và trách nhiệm… Cô giáo Lê Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Công đoàn trường nhận xét: “Mỗi bài giảng của cô Kầm là một điều mới lạ, hấp dẫn làm cho các em yêu thích các môn học hơn. Vì vậy, trong mỗi kế hoạch bài dạy, cô Kầm luôn trăn trở, đầu tư tâm huyết xây dựng bài giảng, chú trọng lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em. Phương pháp của cô là thông qua các trò chơi, bài tập giúp các em hệ thống kiến thức cơ bản và tập trung vào rèn kỹ năng, đặc biệt là kiểm tra theo dõi sát sao việc học tập hàng ngày của các em…”
Truyền lửa đến mọi người
Sự nỗ lực không ngừng của nhà giáo Ka Kầm đã thu được “quả ngọt”. Nhiều năm liền, cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giáo viên giỏi Nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở 5 năm học liên tục học từ 2016-2017 đến nay. Năm học 2020-2021, cô được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; năm học 2021-2022 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong 4 năm học vừa qua, cô đều có sáng kiến kinh nghiệm về nâng cao chất lượng học tập của học sinh và đều được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp huyện. Năm học 2021-2022, đề tài “Tổ chức trò chơi học tập để tạo hứng thú và nâng cao chất lượng dạy học môn Toán cho học sinh lớp 2C” của cô ka Kầm được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh. Học sinh của cô chủ nhiệm cũng đạt nhiều thành tích. Năm học 2016-2017, cô hướng dẫn em Ka Hợi, lớp 4C làm sản phẩm sáng tạo, đạt giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và đạt giải Nhất, Nhì Cuộc thi viết chữ đẹp cấp trường. Năm học 2021-2022, cô bồi dưỡng 2 học sinh đạt giải cấp huyện về thi đấu trường toán học trên vendu…
Không chỉ thành công ở giáo mục mũi nhọn, giáo dục toàn diện là nhiệm vụ luôn được cô Kầm đầu tư. Kết quả giáo dục và rèn luyện của học sinh hàng năm hoàn thành chương trình lớp học đều vượt chỉ tiêu nhà trường giao. Tập thể lớp hầu như năm học nào cũng đạt danh hiệu Xuất sắc.
Ở Phước Lộc, bà con còn biết đến cô giáo Kầm là chủ gia đình mẫu mực xây đắp tổ ấm của mình. Năng lượng tích cực của cô góp phần làm điểm tựa để người chồng cũng là đồng bào dân tộc Mạ hoàn thành vai trò một bác sĩ Trạm trưởng Trạm y tế xã Madaguôi và 2 con nhỏ. Con trai đầu hiện đang học lớp 2, từng đoạt giải Vàng tại Cuộc thi đấu trường toán học cấp tỉnh.
Cô giáo Kầm còn tham gia dạy tiếng Mạ cho đội ngũ công chức, viên chức của huyện Đạ Huoai. Tôi hỏi: “Việc trường, việc nhà lại đèo thêm việc huyện, lý do nào cô đa mang vậy?”.
Cô Kầm chia sẻ: “Em muốn mang tiếng nói của dân tộc mình đến cho các cán bộ công chức công tác ở vùng DTTS. Vì họ không biết tiếng dân tộc và chưa am hiểu phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của đồng bào các DTTS nên đôi lúc ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Một Bí thư Đoàn trường 4 năm đều đạt Chi đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; một Chi hội trưởng Chữ thập đỏ được Hội huyện tặng Giấy khen; một Tổ trưởng chuyên môn có 10 lượt cá nhân đạt các danh hiệu và khen thưởng: giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, Bằng khen của tỉnh của Bộ… và một đảng viên gương mẫu. Cô giáo Ka Kầm là bông hoa đẹp giữa đại ngàn Tây Nguyên.