Thua đậm Philippines ở bán kết, để Myanmar ngược dòng giành chiến thắng trong trận hạng 3, thầy trò HLV Mai Đức Chung “trắng tay” rời giải đấu. Một cái kết rất buồn, bởi chỉ non 2 tháng trước thôi, bóng đá nữ Việt Nam vượt qua cả Philippines (vòng bảng) rồi Myanmar (bán kết) và Thái Lan (chung kết) để lấy tấm HCV lần thứ 3 liên tiếp một cách “đĩnh đạc”.
Dù buồn nhưng bóng đá nữ Việt Nam phải nhìn lại, làm mới lại chính mình cho World Cup năm sau. Ngay lúc này, bóng đá nữ Thái Lan, Philippines, Myanmar đã trỗi dậy, không còn là cuộc chơi "tam kiềng" của Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Khi Myanmar có đôi chút chững lại cũng đúng lúc Philippines đã trở mình mạnh mẽ. Gần đây, Philippines nhập tịch gần như cả đội bóng, nên Việt Nam muốn thắng họ rất khó, không còn dễ như trước. Các cầu thủ đến từ Australia và Mỹ giúp Philippines có lối chơi hiện đại với thể hình và thể lực tốt.
Những thể hiện tại SEA Games 31 cũng như AFF Cup 2022 cho thấy rõ điều này. Bóng đá nữ Philippines đang trên đường trở thành thế lực mới của bóng đá khu vực. Đồng thời họ cũng đã có vé vào thẳng VCK World Cup 2023.
5-7 năm trước, đội tuyển nữ Philippines còn thua cách biệt 4-5 bàn trước đội tuyển nữ Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, những trận thua đó đã bắt đầu thu hẹp về khoảng cách tỷ số. Và chiến thắng 4 -0 ở trận bán kết AFF Cup hôm rồi chỉ ra rằng sẽ bắt đầu khó khăn cho bóng đá nữ Việt Nam ở sân chơi khu vực từ nay về sau. Không thể khác, hãy để những chiến tích chói lọi đã có lại sau lưng, bóng đá nữ Việt Nam lúc này cần gia cố nhiều tiêu chí từ lực lượng, chế độ đãi ngộ, dinh dưỡng … để trở lại vị thế “chị cả” khu vực.
Trước đó, U19 Việt Nam đã chia tay giải U19 Đông Nam Á 2022 với tấm HCĐ. Thầy trò HLV Đinh Thế Nam dự giải đấu lần này mà không có được tất thảy con người tốt nhất trong độ tuổi. Bóng đá trẻ vẫn luôn thiếu tính ổn định. Vì lẽ đó, đừng quá nặng nề trận thua trước Malaysia. Nhớ lại, cả lứa của Công Phượng, Tuấn Anh và sau này Quang Hải, Văn Hậu từng dự U20 World Cup 2017, nhưng cũng chưa thể vô địch được các sân chơi trẻ khu vực.
Vấn đề quan trọng ở đây, để các cầu thủ tiềm năng phát triển thành tài năng thì buộc phải có chiến lược đầu tư dài hơi. Lứa U19 hôm nay không thiếu tiềm năng để khai phá. Giới chuyên môn cũng nhìn ra được những điểm sáng và cả hạn chế của lứa cầu thủ này để tiếp tục xây dựng, định hướng phát triển cho tương lại.
Trở về từ giải U19 Đông Nam Á, U19 Việt Nam sẽ dự giải U19 quốc tế ở Bình Dương đầu tháng 8 tới đây. Ngay sau đó, sẽ có chuyến tập huấn kéo dài 2 tuần ở Nhật Bản. Bóng đá trẻ, việc được thi đấu nhiều và ra nước ngoài tập huấn là rất tốt. Không chỉ U19 Việt Nam, cần cho những lứa trẻ khác (U15, U17) thường xuyên đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Nếu được thực chiến với những nền bóng đá phát triển thì bản thân các cầu thủ trẻ càng phát triển năng lực chuyên môn.
Suy cho cùng, mục đích của đào tạo trẻ phải cài cắm, đan xen và bổ sung được nguồn lực chất lượng cho mỗi CLB và ĐTQG. VFF, các địa phương, học viện phải có lộ trình phát triển cho mỗi lứa U khác nhau theo chu kỳ cụ thể. Ví như định hướng đầu tư 5-7 cho mỗi lứa để xem thử chất lượng đầu ra thế nào?
Tựu trung lại, từ những kết quả không như ý của đội tuyển nữ Việt Nam và U19 sẽ thấy bóng đá khu vực đang có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Sự tiến bộ của bóng đá nữ Philippines, những bật vọt của bóng đá trẻ Lào minh chứng điều đó. Chính vì thế, từ “nốt trầm” hôm nay, bóng đá Việt Nam cần nhanh chóng xốc lại hành trang để tiếp tục duy trì cảm hứng cũng như vị thế của mình.