Hiện giá bất động sản ở các huyện có thông tin lên quận như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè... đang "nhảy múa" từng ngày. Có nhiều lý do để giá đất những huyện này tăng cao như cơ sở hạ tầng ngày càng được đồng bộ, nhất là thông tin huyện được đề xuất lên quận giai đoạn 2021-2025. Nhưng còn có những nguyên nhân khác làm giá đất tăng cao, đấy chính là những "chiêu trò" của giới cò đất và giới đầu cơ với mục đích làm người mua "sập bẫy".
Chiêu trò "dọa" có người hẹn đặt cọc
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi được cò đất N.V.T dẫn đến xem một lô đất ở Ấp T2, xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), lô đất nằm trên đường hẻm 4m, diện tích đất 5x17m có giá bán 2,65 tỉ đồng. Sau khi "vẽ" ra viễn cảnh sinh lợi, cò T cho biết, ngày hôm qua đã dẫn một vị khách đến xem lô đất này và hẹn chiều nay đưa người nhà đến rồi đặt cọc luôn. "Nếu anh đã ưng ý rồi thì chốt đặt cọc luôn, không thì chiều nay vị khách kia đến đặt cọc thì coi như xong", cò T nói.
Nói xong, cò T bấm điện thoại gọi cho một ai đó và cố tình mở loa ngoài. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông nói hẹn đầu giờ chiều nay dẫn vợ đến xem rồi đặt cọc luôn. Lấy lý do giữ uy tín với vị khách trên nên cò T không bán cho chúng tôi nữa, thay vào đó sẽ dẫn chúng tôi đi xem mảnh đất khác có vị trí và giá tiền tương tự. "Giờ tôi dẫn anh sang bên kia xem mảnh đất tương đồng như vậy, mảnh này cũng vừa có khách xem và hẹn quay lại thương lượng với chủ đất. Vì vậy, nếu anh ưng ý thì chốt cọc luôn, chủ đất chỉ có thể bớt khoảng 10 triệu đồng, còn để sang ngày hôm sau thì tôi không dám đảm bảo là mảnh đất này sẽ còn" - cò T "dọa" chúng tôi.
Chiêu trò "lên quận giá tăng gấp đôi"
Bà N.T.L (ngụ huyện Hóc Môn) là một nông dân địa phương, bao năm qua chỉ chuyên trồng rau để bán. Tuy nhiên, từ khi có thông tin huyện Hóc Môn "lên đời" và giá đất tăng, thì bà L chuyển sang làm "cò đất". Mới vào nghề, bà L học được "đàn anh, đàn chị" trong giới cò đất, là luôn "khoe" với khách về thông tin huyện Hóc Môn sẽ lên quận thì giá đất sẽ tăng cao.
"Các cháu đến huyện Hóc Môn tìm mua đất thì cũng thừa biết là huyện này đang chuẩn bị lên quận rồi. Một khi lên quận thì giá đất đương nhiên sẽ tăng gấp đôi so với đất huyện hiện nay. Vì vậy, nếu xác định mua thì mua ngay căn nhà này đi, giá chỉ có 1 tỉ 950 triệu đồng, chứ chần chừ không mua để vài hôm nữa, chủ nhà họ tăng giá lên đấy" - bà L nói xong và khuyên chúng tôi nên đặt cọc mua ngay căn nhà cấp 4 này.
Chiêu trò bỏ tiền mua đất làm "chim mồi"
Chị N.T. P, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn huyện Hóc Môn, kể lại cho chúng tôi nghe một câu chuyện "làm giàu không khó", được giới cò đất lan truyền trong thời gian gần đây. Đó là câu chuyện về cò đất T.H.D (ngụ quận 12), sau Tết đã cùng vài người bàn góp tiền đến huyện Hóc Môn mua 7 lô đất thổ cư với tổng trị giá 15,4 tỉ đồng (2,2 tỉ đồng/lô).
Sau khi có thông tin huyện Hóc Môn được đề xuất lên quận lan truyền khắp mặt báo, thì D đăng thông tin bán lại với giá 3 tỉ đồng/lô, nhưng chưa có ai xuống tiền mua. Sau đó, D cử một người bạn đóng vai người mua đất đầu tư, đến đặt mua một lô đất của một hộ dân có diện tích và vị trí tương đồng với những lô đất D đã mua trước đó với giá 3,5 tỉ đồng. Ngay sau đó, thông tin hộ dân này vừa bán được đất giá cao được lan truyền khắp nơi, thế là 7 lô đất của D được nhiều người dân và giới đầu tư gần đó mua hết chỉ trong vòng 2 tuần. Như vậy, với chiêu trò bỏ tiền cao mua mảnh đất để làm "chim mồi" này, chỉ trong một thời gian ngắn, D bỏ túi tiền lời hơn 2 tỉ đồng và một mảnh đất vừa mua "có giá 3,5 tỉ đồng".
Ngoài những chiêu trò nêu trên, giới cò đất và giới đầu cơ còn có những chiêu trò khác như tạo khan hiếm giả, để người mua cảm thấy "nôn nóng" và sớm đặt tiền cọc ngay vì sợ người khác mua mất. Bên cạnh đó, giới cò đất còn tạo ra chiêu trò đánh sóng, tạo ra sốt ảo bằng cách mua bán "lòng vòng" với nhau, làm cho nhiều người thấy "sốt ruột", nên rót tiền mua ngay với kỳ vọng lướt sóng kiếm lời. Mặt khác, giới cò đất và đầu cơ còn nói khống về thông tin dự án, thông tin quy hoạch và vẽ ra viễn cảnh sinh lời hàng chục lần để người mua tự tin xuống tiền.