Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, trong thời gian qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo theo yêu cầu của Trung ương. Các Chương trình, dự án, chính sách được triển khai đã góp phần vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân dần từng bước được ổn định.
Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức rà soát, xác định đối tượng, địa bàn thụ hưởng và nhu cầu đầu tư, hỗ trợ các nội dung, Tiểu dự án, Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trình Uỷ ban Nhân dân phê duyệt giao danh mục và phân bổ nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện.
Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tham mưu ban hành Quyết định phê duyệt, Kế hoạch thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố của tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện lần thứ IV năm 2024. Dự kiến đến trung tuần tháng 11/2024 sẽ tham mưu để tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024.
Về công tác giúp đỡ xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, năm 2023, các cơ quan, đơn vị đã huy động được nhiều nguồn lực, đảm bảo hiệu quả các hoạt động, phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị trong công tác giúp đỡ xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2023, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn là trên 41 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện các mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, tính đến hết năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 3,09% (từ 12,29% năm 2022 giảm còn 9,20% năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 3,31% (từ 13,11% năm 2022 giảm còn 9,80% năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 6,42% (từ 27,69% năm 2022 giảm còn 21,27% năm 2023).
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn lại 45 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QÐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm 2022 giảm 3,41% so với năm 2021; năm 2023 giảm 3,31% so với năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn một số khó khăn. Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp, địa hình bị chia cắt nên vùng DTTS của tỉnh vẫn là địa bàn khó khăn. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường... luôn là những thách thức lớn đối với vùng DTTS. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông còn nhiều khó khăn, sinh kế, việc làm, chất lượng cuộc sống của một phận đồng bào chưa được ổn định và nâng lên.
Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 vẫn còn một số nội dung có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn ,... gây ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình. Công tác chỉ đạo, điều hành của một số cơ quan, đơn vị cấp cơ sở chưa sát sao, phản ứng chậm, chưa có những giải pháp mang tính đột phá.
Tại buổi làm việc, Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan xem xét, tham mưu tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho tỉnh trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, như: xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giao cho tỉnh đến năm 2025 có 28 xã và 50% số thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; cơ chế khoán bảo vệ rừng; có cơ chế đặc thù liên quan đến thủ tục thực hiện về đất đai đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất rừng; chính sách đào tạo nghề; ban hành tiêu chí đánh giá, xác định thôn, xóm thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn…và các nội dung cụ thể khác liên quan đến Chương trình MTQG 1719.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình trong công tác dân tộc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc và cho rằng, kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc, diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh cả về bộ máy tổ chức, khó khăn địa bàn, địa hình hiểm trở, tác động nhiều yếu tố bên ngoài, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác dân tộc - đây là nhiệm vụ khó khăn, đặc thù, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719; quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong thực hiện chính sách dân tộc; tăng cường phối hợp với các sở, ngành và Trung ương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; huy động nguồn lực bên ngoài đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Đối với kiến nghị, đề nghị của Ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị các vụ, đơn vị tiếp thu, tham mưu tháo gỡ theo thẩm quyền.
Tỉnh Hòa Bình có diện tích tự nhiên 4.590,03km², dân số toàn tỉnh trên 90 vạn người, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 74% dân số của tỉnh (trong đó dân tộc Mường chiếm 64,27%; dân tộc Tày chiếm 3,01%; dân tộc Thái chiếm 4,02%; dân tộc Mông chiếm 0,82%; dân tộc Dao chiếm 2,01%; các dân tộc thiểu số khác chiếm 0,15%).
Tỉnh có 09 huyện và 01 thành phố, 151 xã, phường, thị trấn. Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hòa Bình có 145 xã vùng đồng bào DTTS, trong đó 74 xã KVI, 12 xã KVII và 59 xã KVIII; 01 huyện nghèo (Đà Bắc); 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố (trong đó có 506 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Uỷ ban Dân tộc). Đết hết năm 2023 có 14/59 xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới, còn 45 xã khu vực III, 4 xã khu vực chưa đạt chuẩn NTM, 96 xã khu vực I đạt chuẩn NTM.