Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tham quan mô hình sản xuất chè an toàn của TP. Thái Nguyên

Việt Cường - 22:57, 26/09/2021

Trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh đã tham quan mô hình sản xuất chè an toàn của ông Lê Quang Nghìn, dân tộc Ngái, hội viên Nông dân thôn Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Ông từng được vinh danh là điển hình trong mô hình sản xuất kinh tế giỏi của tỉnh và thành phố.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tham quan mô hình sản xuất chè an toàn của ông Lê Quang Nghìn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tham quan mô hình sản xuất chè an toàn của ông Lê Quang Nghìn

Gia đình ông Nghìn hiện đang trồng và chăm bón hơn 8.000 m2 chè theo quy trình VietGAP, giúp năng suất và chất lượng chè tăng lên đáng kể. Ngoài trồng và chế biến chè, gia đình ông Nghìn còn nỗ lực bảo tồn giống chè trung du, đặc sản của Tân Cương. Bên cạnh đó, gia đình ông mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm vườn chè, ăn uống và sử dụng dịch vụ lưu trú.

Gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua máy sao chè, máy vò chè; lắp đặt dàn phun nước tưới cho cây chè nhằm nâng cao chất lượng chè và giảm thiểu sức lao động. Mới đây, gia đình ông đã đầu tư hệ thống bảo quản kho lạnh cho sản phẩm chè với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng.

Chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, ông Nghìn cho biết: Chè thì ở đâu cũng có nhưng không phải ở đâu cũng ngon, bởi ngoài yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng thì đòi hỏi người làm chè phải khéo léo trong từng khâu chế biến. Trong các công đoạn chế biến chè thì sao chè được xem là khâu quan trọng hơn cả bởi người chế biến không những phải dùng đến thị giác của mình mà còn phải dùng khứu giác, xúc giác nghĩa là mắt phải luôn nhìn để theo dõi sự thay đổi trong màu sắc của chè, tay phải sờ vào thì mới cảm nhận được chè đã đủ khô chưa và phải đưa chè lên mũi để kiểm tra xem chè đã đủ dậy hương chưa.

Ông Lê Quang Nghìn chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh về cách chăm sóc Cây Chà cổ (năm 1928) và kinh nghiệm khai thác chè của người dân địa phương thời gian trước đây
Ông Lê Quang Nghìn chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh về cách chăm sóc Cây Chà cổ (năm 1928) và kinh nghiệm khai thác chè của người dân địa phương thời gian trước đây
và một số sản phẩm chè của gia đình ông
và một số sản phẩm chè của gia đình ông

Loại chè gia đình ông sản xuất chủ yếu là chè búp khô, trong đó có 3 loại đó là: chè móc câu (truyền thống, bán chạy dễ dàng tiêu thụ); chè tôm nõn và đinh trà (chỉ làm theo đơn đặt hàng vì giá thành khá cao). Đến nay, các mặt hàng chè của gia đình ông không những được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết đến mà người tiêu dùng ở các tỉnh khác cũng đã biết đến và đặt mua. Tính tổng thu nhập, mỗi năm gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương, thu nhập mỗi người bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.

Không chỉ là người giỏi làm kinh tế, ông Nghìn còn là người nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trồng chè, chế biến và bảo quản chè cho các hộ gia đình trong xã để mọi người cùng chuyển đổi cơ cấu giống nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè, từ đó cùng nhau vươn lên làm giàu.

Từ những thành công của mô hình, với những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho địa phương, ông Lê Quang Nghìn đã được nhận nhiều Bằng khen của UBDT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và vinh dự là đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thân mật tặng quà lưu niệm của UBDT cho ông Lê Quang Nghìn và gia đình
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thân mật tặng quà lưu niệm của UBDT cho ông Lê Quang Nghìn và gia đình

Chúc mừng với những thành công từ mô hình sản xuất chè an toàn của ông Lê Quang Nghìn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã hỏi thăm, trao đổi thêm về nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất; quy trình thu hoạch và bảo quản; việc quy hoạch để phát triển thành mô hình đón khách tham quan, trải nghiệm; quảng bá, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Từ những mô hình thành công như của gia đình ông Lê Quang Nghìn, các địa phương cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ cho người dân để phát huy thế mạnh của địa phương, nhân rộng mô hình, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, và góp phần trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.