Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Thái Nguyên sinh sống chủ yếu ở 05 huyện miền núi, vùng cao; với dân số là 384.379 người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 110 xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, gồm: 84 xã khu vực I, 12 xã khu vực II và 14 xã khu vực III.
9 tháng đầu năm 2021, công tác dân tộc của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của UBDT; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; sự ủng hộ tích cực của các địa phương và sự đồng thuận của Nhân dân. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần quan trọng trong việc phát triển bền vững của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Vai trò của Người có uy tín tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của đồng bào vùng DTTS vẫn được đảm bảo và duy trì ổn định; giáo dục, y tế được quan tâm; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được giữ vững.
Ngày 14/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là việc triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU. Một số nội dung đang được triển khai như: xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo; rà soát đối tượng, địa bàn thụ hưởng...
Tại cuộc họp, Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị UBDT tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn vốn ODA hỗ trợ cho vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thái Nguyên; quan tâm, tạo điều kiện xây dựng 01 Trung tâm ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh vùng đồng bào DTTS và miền núi; xem xét, lựa chọn, phê duyệt một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đề nghị UBDT sớm trình Chính phủ ban hành Danh mục các dân tộc Việt Nam. Đại diện các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã có kiến nghị, đề xuất liên quan đến một số nội dung như: quan tâm mức hỗ trợ cho các em học sinh DTTS đang học tập tại các trường nội trú; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS; sớm phân bổ kinh phí và đảm bảo nguồn lực, tạo cơ chế để các địa phương chủ động lồng ghép nguồn lực triển khai hiệu quả Chương trình MTQG...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao sự chủ động trong triển khai các chính sách dân tộc của tỉnh Thái Nguyên. Việc triển khai các chính sách, giải quyết khó khăn cho vùng DTTS được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngoài nguồn lực từ Trung ương, tỉnh đã bố trí cân đối ngân sách địa phương để triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc. Tuy nhiên, vùng DTTS còn có những khó khăn nhất định về điều kiện cơ sở hạ tầng, với tỷ lệ hộ nghèo cao, cần phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 06 trường phổ thông dân tộc nội trú (01 trường cấp THPT với 543 học sinh, 05 trường cấp THCS với 1.790 học sinh) và 10 trường phổ thông dân tộc bán trú với 1.993 học sinh. Như vậy, tỷ lệ học sinh THCS được tiếp tục học THPT đang rất thấp. Thái Nguyên là trung tâm của vùng, cần được ưu tiên để đào tạo nguồn nhân lực người DTTS chất lượng cao cho tỉnh và cho toàn vùng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị cần xây dựng chính sách, đổi mới mô hình để nâng cao cơ hội tiếp cận bình đẳng trong giáo dục cho các em học sinh DTTS. Tiếp tục quan tâm, đầu tư mở rộng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, có chính sách cụ thể để nâng cao tỷ lệ học sinh THCS được tiếp tục học THPT.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Trong phát triển KT-XH, cần làm tốt 3 trụ cột là tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức an sinh xã hội; phát triển nguồn nhân lực, trong tâm là công tác đào tạo; chăm sóc sức khỏe người dân, công tác y tế, bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa... Trong công tác nắm bắt tình hình vùng DTTS, để thể hiện rõ vai trò, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt coi trọng công tác phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền, triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào. Cần triển khai hiệu quả các chính sách để phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đề nghị Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên có Nghị quyết chuyên đề, phân công các sở, ban, ngành được giao chủ trì triển khai các dự án cần rà soát kỹ đối tượng, địa bàn, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; xây dựng giải pháp, cơ chế để lồng ghép hiệu quả các nguồn lực. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, các sở, ngành chung tay phối hợp với Ban Dân tộc để đảm bảo mục tiêu, tiến độ thực hiện Chương trình MTQG.
Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã tham quan Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Thái Nguyên. Với quan điểm chính quyền phục vụ người dân, hệ thống thông tin được tích hợp với ứng dụng trên thiết bị di động thông minh với tên gọi C-ThaiNguyen (ứng dụng công dân số Thái Nguyên), giúp chính quyền cung cấp một số dịch vụ, thông tin trực tuyến, các cảnh báo kịp thời cho người dân. Đồng thời là kênh thông tin để người dân phản ánh thông tin đến chính quyền. Hệ thống tích hợp với các camera giao thông, theo dõi môi trường, các khu cách ly y tế để phục vụ giám sát, điều hành.
Đặc biệt, hệ thống đã góp phần trong công tác hỗ trợ cho người dân của tỉnh Thái Nguyên đang công tác, học tập, lao động tại địa phương khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chỉ trong 10 ngày đi vào hoạt động, bằng việc xác minh thông tin nhanh chóng, chính xác, công khai và minh bạch, hệ thống đã phê duyệt 8.200 trên tổng số 11.000 hồ sơ cần hỗ trợ.