Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột không xa (khoảng 9km), chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Đức để được “tận mục sở thị” về “cây bơ triệu phú”. Đây là cây bơ cổ thụ, nằm giữa mảnh vườn, tán rộng bao trùm như một “bóng cây cơ nia”, thân chừng hai người ôm mới hết, trên cây có đầy quả, đủ các cỡ to, nhỏ mang lại cho chủ nguồn thu khá lớn.
Theo lời ông Đức thì, “cây bơ vàng” này cho thu hoạch đều từ 20 năm trở lại đây, theo ghi chép đầy đủ số lượng quả bán ra số tiền thu về từ bán bơ hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán gia đình ông đều thu về từ trên 50-60 triệu đồng. Tết Nguyên đán năm nay, do giá bơ tăng cao nên gia đình ông dự kiến thu về được trên 80-90 triệu đồng từ cây bơ.
Ngoài cây bơ cổ thụ hằng năm ông Đức còn thu về hàng 100 triệu đồng bán quả từ các cây bơ khác. Với tổng số gần 50 cây bơ đều cho quả trái vụ rải rác trong năm và tập trung chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo lời chị Nga, thương lái mua bơ tại vườn nhà ông Đức cho biết: Thời điểm này ở Tây Nguyên hầu hết các vườn bơ đều mới đang ra hoa,… Duy nhất tại vườn nhà ông Đức, năm nào cũng cho thu quả đúng vào dịp Tết. Giá bơ thời điểm này lại cao ngất ngưởng, tại vườn chúng tôi thu mua trung bình với giá 140 ngàn đồng/kg có thời điểm lên tới 160 ngàn đồng/kg, giá cao gấp 4-5 lần so với bơ chính vụ.
Theo anh Huỳnh Ngọc Tư, Kỹ sư nông nghiệp-Giám đốc Công ty TNHH MTV Dak Farm cho biết: Hiện nay, ở Tây Nguyên có diện tích bơ khá lớn, trong đó tập trung vào các dòng chủ yếu là bơ chính vụ và bơ muộn. Tuy nhiên bơ thu hoạch từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 2 dương lịch (dịp Tết Nguyên đán) hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng < 2% tổng sản lượng cả năm), thời gian này trên thị trường, không có để bán, do vậy, giá bán bơ của ông Đức cao gấp nhiều lần so với bơ khác.
BÁ THĂNG